Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Nghề lấy nước thiêng


Bài viết này của ông bạn, Nghề mới, nhắc về Giỗ Tổ nhớ xin nước thiêng.

Ngã ba Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ, nơi hợp lưu của sông Đà, sông Hồng và sông Lô.
Dân làng chài Vạn Thọ trong phường Bạch Hạc quan niệm rằng nguồn nước ngã ba sông này chứa linh khí của đất trời. Họ thường ra sông xin nước về cúng tế cầu may mắn, bình an.
Dần dà, nhiều người ở các vùng khác nhau cũng tới đây xin nước. Nhu cầu tăng cao, người dân nơi đây lại có thêm nghề mới nghe rất lạ. Đó là chở khách ra sông lấy nước. Nghề lấy nước thiêng.
Người lạ tới đây đều bị nhầm tưởng là khách đi lấy nước thiêng.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, 58 tuổi, làm nghề lấy nước được 10 năm. Dường như công việc phù hợp với cái tuổi của ông. Kinh nghiệm và sự hiểu biết của ông về ngã ba Hạc đã giúp khách xin nước có được thứ mình cần. Thường ngày ông Hòa ở nhà, khi ai gọi thì chở họ đến ngã ba sông xin nước.
Ông đưa chúng tôi đến đền Mẫu Tam Giang, hay còn gọi là đền Thượng Thọ có lịch sử gắn với truyền thuyết từ thưở vua Hùng. Ngày nay, ngôi đền nằm lọt giữa khu dân cư đông đúc.
Đây là ngôi đền gần với ngã ba Hạc nhất nên những người đi xin nước thiêng chọn vào lễ tạ trước khi ra ngã ba sông lấy nước. Đền Mẫu Tam Giang thờ 3 vị thuỷ thần thời Hùng Vương – những người đã có công lớn giúp Vua Hùng dẹp giặc. Vì vậy, người dân làng Vạn xưa kia đã tôn thờ họ làm thần hoàng làng, cũng là vị thần bảo trợ cho người dân làm nghề đánh cá trên sông.
Để xin nước thiêng tại ngã ba Hạc, chúng tôi được ông chủ từ đền Thượng Thọ, còn có tên khác là đền Mẫu Tam Giang hướng dẫn cặn kẽ các thủ tục. Trong đó việc không thể thiếu là phải sắm 2 lễ nhỏ gồm tiền vàng, nhang và một chiếc can đựng nước…
Hằng ngày, sau 10h sáng sẽ có nhiều khách đến đây xin nước vì họ là người từ xa đến. Hôm nay sớm hơn nên vẫn còn nhiều thuyền nằm chờ tại bến.


Ngã ba Hạc vốn thuộc đất Phong Châu. Địa thế đã tạo ra cho ngã ba Hạc trở thành cửa ngõ đường thủy để đến khu vực đền kinh đô Văn Lang, trung tâm của vùng đất Tổ . Bởi thế đây được xem là nơi ngút ngàn linh khí với truyền thuyết từ thủa mở đất dựng nước.
Vào mùa này, tại ngã ba Hạc, chúng tôi có thể phân biệt được màu nước với dòng trong, dòng đào. Từ ngã ba này, chúng hòa cùng làm một, rồi theo sông Hồng về xuôi tạo nên vùng đồng bằng Bắc Bộ màu mỡ, trù phú.
Sông nước mênh mông. Cảm giác linh thiêng, huyền bí chợt đến với mỗi người ra sông xin nước. May mắn chúng tôi gặp một gia đình từ xa tới ngã ba sông này xin nước thiêng. Họ đến đây vì người đã khuất.
Hết đường bộ, rồi lại lênh đênh sông nước, có lẽ rằng chị Hòa cùng gia đình cũng đã toại nguyện. Một ngày sống ở trên đời đã nên nghĩa. Giờ đây, người ở trên dương thế còn lo lắng, làm những việc cho là phải để cầu mong những điều tốt sẽ đến với người đã khuất. Thế mới biết cái tình, cái nghĩa nặng biết nhường nào.
( Mua nước bằng tiền âm phủ)
Ông chủ từ Nguyễn Xuân Hòa cho biết, khách xin nước tại ngã ba sông thường dẫn thầy cúng đi kèm để thuận tiện cho chuyện kêu khấn việc của mình. Nếu đi một mình, họ có thể nhờ chính nguời chủ thuyền làm lễ giúp.
Biết chúng tôi không thạo việc làm này, ông chủ từ nhận lời làm giúp chúng tôi thủ tục xin nước.
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, người xin nước có thể tự do lấy số lượng nước mình cần. 5 lít, 10 lít hay 20 lít… Ngoài ra, cũng có nhiều người còn lấy đất và cát ở đây nữa tùy theo mục đích của mình.
Mỗi chuyến đi lấy nước mất chưa đến 1 tiếng đồng hồ, tuy không mệt nhưng lênh đênh sông nước thì nguy hiểm
Điều đặc biệt trong mỗi chuyến đưa khách đi xin nước nằm ở chỗ, nó không có giá cả cụ thể. Đây là việc tâm linh nên khách đi lấy nước không có sự mặc cả. Còn với người làm nghề chờ khách thì xem việc lấy nước là làm theo cái nghĩa ở đời, không vụ lợi; khách đưa bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Vì thế, giá cả là do sự tùy tâm của người đi xin nước.
Sau khi xin nước từ ngã ba sông, khách phải đưa nước vào đền Mẫu Tam Giang một lần nữa để làm lễ tạ ơn các vị thần. Lúc đó, nước mới thật sự linh thiêng.
Hiện nay, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, nhiều ngươi từ khắp nơi trong cả nước tìm đến đây để xin nước cầu may và bình an. Từ nhu cầu ấy, nghề lấy nước ở ngã ba Hạc được hình thành và mang lại một khoản thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.
Tuy nhiên, không phải ai đến đây cũng cần ra tận ngã ba sông để xin nước. Nếu tới đền Tam Giang nằm trong khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Tam Giang chùa Đại Bi, phường Bạch Hạc, họ sẽ xin được nước thiêng. Ở đây, nước đã được đóng sẵn trong can.
Nước thiêng cất trữ tại đền Tam Giang chỉ lấy 2 lần trong một năm, khi nhân dân trong vùng tổ chức lễ rước nước thiêng từ ngã ba Hạc vào ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 và ngày 25/9 âm lịch. Sau khi làm lễ xong, nước được đóng thành từng can cất giữ trong kho. Nếu khách có nhu cầu thì chỉ cần nhờ người trong ban quản lý đền làm lễ là có thể mang nước về.
Tín ngưỡng lấy nước thiêng là truyền thống tốt đẹp của nhân dân . Dù ra đời tự phát, hình thành từ nhu cầu của khách thập phương, nhưng lấy nước thiêng là một nghề độc đáo, bình dị. Và ở nga ba sông trên vùng đất Việt Trì, kinh đô Văn Lang của các Vua Hùng đến nay vẫn còn ẩn chứa nhiều điều linh thiêng, huyền thoại trên con đường khám phá.
Duy Khoa

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.