Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Hành trình về Quảng Trị

Hiện nay khu thành cổ Quảng Trị rộng 16 ha là một phần của Khu di tích Thành cổ Quảng Trị, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia của Việt Nam. Do mật độ bom đạn rất cao và kéo dài nên hầu hết bộ đội Quân đội Nhân dân Việt Nam tử trận trong Thành cổ Quảng Trị đều bị vùi lấp. Nơi đây được xây dựng thành nơi yên nghỉ chung cho những người đang nằm trong lòng đất với nhiều cây xanh, đài tưởng niệm, bảo tàng... Hiện đang có dự án[9] đầu tư xây dựng khu di tích trở thành một công viên văn hóa, tưởng niệm với các hạng mục như đài tưởng niệm trung tâm, bảo tàng, đài chứng tích sinh viên, vườn hoa cảnh.
Đã có nhiều bài thơ, bài hát nói về sự khốc liệt và mất mát của trận Thành cổ Quảng Trị, trong đó người ta thường nhắc tới bốn câu thơ trong bài Lời gọi bên sông của Lê Bá Dương, một cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam từng tham gia trận đánh này:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ.
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước.
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm


Ngoaì ra khi chuẩn bị vào sâu trong mặt trận phía Nam ở Bắc Quảng Trị, Lê Bá Dương cũng có 2 câu thơ rất hay, được xem như là tuyên ngôn hay nhất bằng thơ của quân giải phóng Bắc Quảng trị:

Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc,
Một dấu chân in màu đất hai miền.

Sau ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, cựu chiến binh Lê Bá Dương và một số đồng đội của ông hàng năm đều về Quảng Trị ít nhất một lần để tưởng niệm những đồng đội Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh và thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn. Xuất phát từ đó, những năm gần đây, hàng năm cứ vào ngày 27 tháng 7 (Ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam) cũng là gần dịp rằm tháng bảy có lễ Vu Lan báo hiếu, chính quyền tổ chức lễ thả đèn, thả hoa trên sông Thạch Hãn để tưởng niệm những người đã nằm lại tại Thành cổ trong 81 ngày đêm của trận đánh[10].








Về bức ảnh Nụ cười Thành cổ
Qua tới bờ bên kia, lại tiếp tục chạy trong làn đạn pháo bắn xối xả vào bất cứ cái gì động đậy bên bờ sông. Tôi lao vào một tầng hầm mà sau này mới biết đó là dinh tỉnh trưởng. Đêm đó, chúng tôi nằm chịu đựng pháo và bom giội vào trong Thành cổ, chốc chốc từng vụn bêtông và khói bụi bay vào ngạt thở vô cùng. Có tiếng rên rỉ đâu đó trong hầm, tôi ngồi dậy lần bước đi tìm. Đó là những người thương binh đang chờ chuyển ra tuyến sau.
Có lẽ không có bất cứ từ ngữ nào để mô tả nỗi khủng khiếp của một nơi như vậy: tôi đã chứng kiến những ca đại phẫu do các y sĩ quân đội thực hiện mà không có một mũi thuốc tiêm gây tê nào, tiếng người gào thét còn to hơn cả tiếng bom. Một ai đó rên rỉ nửa mê nửa tỉnh: “Ôi, B52 lại đến kìa! Tôi đã chết chưa mà chụp hình đó?!”.
Buổi sáng, 6g tôi thức dậy và theo trinh sát ra khỏi hầm. Hai chiếc A 37 lao ra cắt bom gần cổng thành. Anh em lôi ngay tôi xuống hầm. Ngó lại những chiến sĩ không quen, tôi hỏi họ có sợ không, một anh còn rất trẻ cười tươi: “Chúng tôi đã tự nguyện viết quyết tâm thư bằng máu rồi, sợ gì nữa!”.
Một ý tưởng lóe lên trong đầu tôi làm sao để ghi lại một cách “thần” nhất của nụ cười nơi Thành cổ này - bởi ở đó, chỉ có sức mạnh tinh thần là chiến thắng được đạn bom và nỗi sợ hãi. Chụp dưới hầm thì lại không được. Tôi đề nghị anh em chuẩn bị để mình chạy ra ngoài canh máy, hễ tôi vừa canh máy xong, báo một tiếng, mọi người phải ùa lên ngay kẻo máy bay địch thả bom.
Tôi nhổm lên trên cửa hầm, bước ra cách 5m và canh máy rồi ra hiệu mọi người bước ra. Anh em từ từ, người trước người sau nhô lên, tất cả những nụ cười rạng rỡ ấy làm dâng lên trong tôi niềm cảm xúc lạ thường. Tôi run tay bấm máy tức thì... Vừa lúc đó bom địch cắt ngang nụ cười ngay trong khoảnh khắc. Anh em ôm súng xuất kích luôn, tôi ôm máy ảnh lao theo họ bấm liên tục.
Còn hai cô Lệ và Hảo, những nữ du kích dũng cảm đã mở đường đưa tôi vào đây, thì giờ tôi “trả ơn” họ bằng cách bấm mấy kiểu ảnh cho họ ở chân tường Thành cổ nham nhở vết đạn. Đạn vẫn rít trên đầu nhưng họ vẫn nở những nụ cười thật tươi và tự nhiên nhất.
Chụp ảnh xong họ lại hồn nhiên lao vào khói bom tìm kiếm thương binh, tôi cũng chạy hết hầm này đến hầm khác để bấm các kiểu ảnh chân dung chiến sĩ đang giành giật từng thước đất Thành cổ. Với tôi, họ đều là những người anh hùng và những bức ảnh mà tôi có được không thể gọi là bức ảnh thông thường mà là xương, là máu của những người lính.
Ngay tối hôm đó, tuy phải hứng chịu những trận bom, pháo ghê hồn hơn, nhưng đầu óc tôi chỉ tính làm sao chuyển những bức ảnh này ra ngoài, chuyển về Hà Nội để đưa tin cho thế giới biết sự tồn tại ngoan cường của những chiến sĩ anh hùng trong Thành cổ Quảng Trị. Những tấm ảnh này sẽ là những khoảnh khắc không bao giờ lặp lại và những con người trong ấy chưa chắc sẽ còn sống đến ngày mai...
Tôi cẩn thận lấy từng cuốn phim, gói riêng ra và ghi những dòng chữ bên ngoài: “Tôi là phóng viên chiến trường, đây là những cuốn phim chụp tại mặt trận Thành cổ Quảng Trị, nếu tôi có hi sinh, xin gửi về báo Quân Đội Nhân Dân...”.Vì chính tôi cũng không tin rằng mình có thể vượt qua lưới lửa mà trở ra an toàn…
Tôi đã may mắn được gặp lại nguyên mẫu của bức ảnh Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị, một cuộc gặp dù hơi muộn màng nhưng thật cảm động.
Bao nhiêu năm xa cách, tôi cứ ngỡ là người mà tôi chụp trên chiến trường đã chết, ngay cả khi tôi về thăm Quảng Trị, người hướng dẫn viên du lịch lúc giới thiệu bức ảnh người lính đẹp trai với nụ cười sống mãi của tuổi 20 cũng đi kèm với câu: “Thật tiếc, người lính ấy đã hi sinh”.
Chỉ đến khi một người quen phát hiện nhân vật trong ảnh chính là người cùng quê với anh và cho biết hiện anh ấy - Lê Xuân Chinh - đã lên Điện Biên làm kinh tế.
Hóa ra anh Chinh chỉ bị thương sau khi tôi chụp ảnh một ngày, phải chuyển ra tuyến sau điều trị, ngày về kẻ gian móc túi anh lấy hết giấy tờ, cuối cùng không được hưởng một chế độ gì. Đây cũng là một cuộc gặp ý nghĩa, bởi sau đó các giấy tờ của anh được xác minh lại, giờ cuộc sống của anh Chinh cũng tạm ổn.
Tôi thấy hạnh phúc vì đã góp phần nhỏ bé giữ lại hình ảnh của những người lính, một chút kỷ niệm trên đường hành quân hay một nụ cười.
Dù cái nụ cười hồn nhiên, yêu đời và chan chứa sức trẻ của Chinh năm nào - nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị, do một cuộc sống vất vả, éo le nên không thể còn được như xưa nữa, tôi vẫn tin rằng thời gian không làm khác đi sự tự tin yêu đời trong nụ cười của những con người ấy.
ĐOÀN CÔNG TÍNH
Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị

1 nhận xét:

  1. Quá hay luôn. Cảm ơn bạn đã cho chúng tôi những tư liệu rất quý giá. Bức ảnh cũng quá đẹp và quý phải không bạn?

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.