Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Trường Thực nghiệm: Từ sự khác biệt đến “độ nóng” tuyển sinh


Trường Thực nghiệm: Từ sự khác biệt đến “độ nóng” tuyển sinh

Dân Trí - 1 giờ trước  lượt xem
(Dân trí) - Khi được hỏi về Trường Thực nghiệm, nhiều phụ huynh có chung câu trả lời: “Tôi nghe nói tốt lắm, học mà cứ như chơi vậy. Bên cạnh đó chi phí học tập lại khá mềm”. Sự thật đúng như vậy nhưng ẩn chứa sau đó còn nhiều điều mà không phải ai cũng hiểu.
Phụ huynh chờ đợi để mua đơn dự tuyển vào lớp 1 Trường Thực Nghiệm. (Ảnh: Nhân Hà)
Sự khác biệt đến từ…cơ chế
Nhìn tổng thể chung thì Trường Thực nghiệm cũng chẳng khác gì các đơn vị công lập khác. Bắt đầu từ năm 2002 trường cũng tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục đại trà. Hiện tại chỉ có duy nhất ở bậc tiểu học trường đang thực hiện hai chương trình song song đó là giáo dục đại trà và giáo dục công nghệ.
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, thầy Lê Kim Xuân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Điểm khác biệt nhất so với các trường khác đó là cách thức tổ chức hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên (GV) không tạo áp lực cho HS nên dẫn đến xóa sổ tình trạng dạy thêm học thêm”.
Nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao mô hình đơn giản như vậy mà không nhân rộng, các trường công lập gặp khó khăn gì khi triển khai? Những người trong cuộc khi đi tìm hiểu sẽ không khó để phát hiện ra: Nhân rộng không đơn giản bởi không chỉ có sự tâm huyết của thầy cô mà cần cả một cơ chế rộng mở. Sở dĩ Trường Thực nghiệm có được thành công cũng nhờ yếu tố “may mắn”.
Trước tiên vào thời điểm hiện tại, trường trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT) nên cơ cấu về nhân lực, tỷ lệ GV/lớp hoàn toàn khác biệt so với trường công. Nếu như ở trường công bình thường, thực hiện theo Thông tư 35 thì chỉ rơi vào 1,5 GV/lớp thì ở Trường Thực Nghiệm, con số này là 1,9. Ngoài ra, ngay ở bậc tiểu học nhà trường đã áp dụng việc phân bộ môn giống như cấp THCS, nghĩa là mỗi GV chỉ phụ trách một lĩnh vực để đi chuyên sâu chứ không như ở trường tiểu học khác là phân thành GV văn hóa, xã hội, tự nhiên…
Sở dĩ trường được cơ chế như vậy bởi vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục vừa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo sự chỉ đạo của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và sự phối hợp chỉ đạo của Phòng GD-ĐT quận Ba Đình. Trong năm học 2010-2011, trường thực hiện dạy theo chương trình công nghệ giáo dục ở một nửa số lớp các khối 1, 2, 3 các môn Tiếng Việt, Toán, toàn bộ các khối với môn Giáo dục lối sống, từ lớp 2 đến lớp 5 với môn Tiếng Anh. Trường cũng thực hiện những đề tài nghiên cứu, áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại trong các giờ học theo chương trình của Bộ GD-ĐT.
Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết thêm, GV dạy chương trình Giáo dục công nghệ cũng tham gia vào giáo dục đại trà nên đã có sự lồng ghép tạo cách học phong phú và hiệu quả hơn. Mặc dù hai chương trình này có sự khác biệt nhưng ở ở trường GV toàn là những người học chuyên sâu, có trình độ cao… nên không khó để kết hợp.
Ngoài ra cũng có một thực tế mà ai cũng có thể hiểu là Trường Thực nghiệm không chịu “sức ép” từ những con số thành tích. Chẳng phải chạy đua với ai để xếp hạng, chẳng có sức ép nào từ đơn vị quản lý về tỷ lệ khá, giỏi…Bởi điều quan trọng nhất ở đây đó là kết quả của sự…thử nghiệm. Trong khi đó trường công, thậm chí là ngoài công lập, luôn chạy đua để nâng cao các chỉ số để khẳng định thương hiệu của mình. Quan trọng hơn cả là có con số “đẹp” để báo đơn vị quản lý.
Tuyển sinh nóng: Đâu phải mỗi vì chất lượng
Chứng kiến hình ảnh phụ huynh chen lấn nhau mua đơn dự tuyển khiến nhiều người sẽ nghĩ: Trường thực nghiệm là số 1! Tuy nhiên, thực tế chưa hẳn là vậy. Ở Hà Nội có nhiều trường công nếu được tuyển sinh theo cái cách của trường Thực nghiệm thì “độ nóng” có khi còn cao hơn rất nhiều.
Phụ huynh chen nhau vào cổng trường Thực Nghiệm sáng 13/5/2012 khi cổng vừa được mở ra. (Ảnh: Nguyễn Hùng)
Được tuyển sinh từ rất sớm, vùng tuyển lại cả địa bàn Hà Nội nên chuyện phụ huynh đổ xô đến cũng là điều dễ hiểu. Không ít người khi được hỏi đều bộc bạch: “Muốn cho con thử sức, không được thì về trường công đúng tuyến. Có thêm cơ hội tại sao lại không tham gia”.
Trong khi đó những năm qua chỉ mỗi vấn đề tuyển sinh trái tuyến ở các trường công ở Hà Nội cũng khiến nhiều người "choáng váng". Qua đó cho thấy, nếu mở rộng vùng tuyển thì nhiều trường công có kém gì Trường Thực nghiệm trong những ngày qua. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội chia sẻ: “Mô hình dạy học nào cũng có mặt tốt và mặt chưa tốt. Trường Thực nghiệm cũng không phải là ngoại lệ. Bản thân các trường ở Hà Nội cũng đến học hỏi mô hình và chắt lọc những ưu điểm để áp dụng”.
“Đã có không ít hội thảo bàn về vấn đề này mà vẫn chưa có lời giải đáp về mô hình này. Chúng ta nên hiểu không phải tự nhiên mà trường giữ tên Thực nghiệm hàng chục năm nay” - vị hiệu trưởng này nói.
Trả lời báo chí, ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục cho biết: Trường Thực nghiệm là nơi thử nghiệm những chương trình giáo dục, những cái hay, mới của các nhà nghiên cứu giáo dục, phần nào đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên được người dân ưa chuộng.
Vâng, nếu quả đúng là như vậy thì con em những người mà những ngày qua phải vật lộn “thâu đêm” để kiếm lá đơn dự tuyển vào lớp 1 có khác gì là công cụ “thí nghiệm” của những nhà nghiên cứu. Bởi vậy, phụ huynh cần nhìn nhận thấu đáo trước khi đưa ra quyết định về nơi cho con theo học. Đừng nhìn vào những thành tích của các cá nhân từng học ở Trường Thực nghiệm như GS Ngô Bảo Châu… để đặt quá nhiều kỳ vọng vào con em mình.
Sau khi nhận đơn dự tuyển, Trường Thực nghiệm sẽ tiến hành đo nghiệm các chỉ số trong đó có cả tiêu chí về sức khỏe, kiểm tra khả năng nhận biết của trẻ. Nhà trường sẽ chọn 140 trẻ đủ yêu cầu cho vào học lớp 1. Số trẻ này sẽ được chia thành hai nhóm: một nhóm học chương trình đại trà và một nhóm học chương trình Giáo dục công nghệ. Sở dĩ tách nhóm như vậy là nhằm mục đích phục vụ cho công tác nghiên cứu của Viện.
N.H.


16 nhận xét:

  1. Các bạn trên ấy có ai cho con vào học trường này không? Mình là người trong ngành, để dạy tiểu học, đặc biệt là lớp 1, đâu nhất thiết phải sâu rộng, quan trọng là kĩ năng, phương pháp tổ chức các hoạt động dạy học và sự sấu sát đến học sinh, sự tân tâm với nghề là đủ. Việc đánh giá học sinh đâu phải chỉ có trường đó mới đánh giá thực chất được. Hiện tại các trường ở HP đều làm thế. Người VNam mình nhiều khi cứ chạy theo "mốt", đâu có phải cứ cho con mình vào đấy là giỏi. Quan trọng là tư chất của trẻ và thứ hai là GV trực tiếp dạy con mình như thế nào. Đọc bài báo và xem những hình ảnh chen chúc xô đẩy này mình thấy buồn cười quá!

    Trả lờiXóa
  2. Nếu con được học trường như vậy thì vất vả một vài đêm, mình nghĩ, rất nhiều người chấp nhận. Mình trích ý kiến của Hoàng Hường, người có mặt trong đám đông hỗn loạn 'xô đổ cổng trường' trong bài viết: Tôi 'sống sót' sau đêm mua đơn vào trường Thực Nghiệm:

    "...họ không ở đây, không hiểu được sự đau lòng của các bậc phụ huynh khi phải nhốt con mình suốt 8 tiếng (thậm chí 10 tiếng cả thời gian học thêm) trong những căn phòng chật chội không một chút không gian xanh"

    "Trong một môi trường toàn 'siêu nhân' thì mơ ước cháy bỏng của nhiều phụ huynh, trong đó có tôi là mong con mình được là một đứa trẻ bình thường, được vui chơi phát triển hồn nhiên, trong đó có quyền được "xơi ngỗng" mà không trở thành tội đồ"

    "...Chúng tôi có điên khùng không? Có, ít nhiều!

    Chúng tôi có ảo tưởng không? Có, nhiều hoặc ít!

    Chúng tôi đáng trách không? Có! Rất đáng trách, mọi việc thật tệ hại

    Và đáng thương không? Có

    Giáo dục chạm vào điểm yếu nhất của con người: con cái! Điều gì khiến những người trí thức bảnh bao hàng ngày ngồi văn phòng máy lạnh, đi xe hơi chịu ngồi vạ vật cả đêm, dầm mưa gió, nhẫn nhịn đến khổ sở, nếu không vì con cái họ.

    Chẳng nhẽ chúng tôi có lỗi khi mong muốn những điều tốt đẹp, dù cực kỳ giản dị, cho con em mình?"

    "Tôi không có ý định kêu ca đổ lỗi để thanh minh cho việc làm của mình. Nhìn cảnh ngôi trường nhếch nhác, hàng rào đổ gãy cành rơi hoa. Tôi nghĩ đến sáng thứ Hai đưa con trai đi học mà lòng đau xót, chẳng biết giải thích với con thế nào.

    Chúng tôi có muốn điên khùng đứng giữa trời mưa lúc nửa đêm không? Chúng tôi có muốn bị bêu lên báo trong bộ dạng tồi tệ thế không? Chắc chắn không bao giờ.

    Đau và xấu hổ lắm, mà chỉ vì những mong ước giản dị đến mức tối thiểu cho con em thôi..."

    ......

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phụ huynh cũng có nhiều kiểu. Gần 20 năm trong nghề, tôi chưa khi nào trường hợp bố mẹ xin cho con ở lại lớp mặc dù học sinh đó đương nhiên phải ở lại, nếu được ở lại 1 năm thì sẽ tốt cho cháu rất nhiều. Nhưng mặc cho nhà trường giải thích, các ông bố bà mẹ cứ nằng nặc xin cho con lên lớp, thậm chí còn nhờ đến sự can thiệp của cấp trên mà không biết rằng điều đó là vô cùng có hại cho con em mình. Thế đấy, ai là người có lỗi trong việc này? Không biết ở các nơi khác thế nào, còn ở trường mình, mình quản lý rất chặt chẽ điểm của từng HS, dù GVCN có muốn nâng điểm cho HS cũng không được nên có trường hợp một chị phụ huynh lớp 3 hôm trước gọi điện bảo mình: "Chị ơi, nếu bố cháu mà biết cháu không được HSG thì bố nó giết em mất". Theo các bạn tôi phải giải quyết thế nào?

      Xóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi cũng thấy thương bọn trẻ con bây giờ. Suốt ngày học hành nhồi nhét. Bản thân con tôi suốt ngày xin đi học thêm vì nó sợ không đi học sẽ thua bạn thua bè, điểm không cao. Mà giờ không hiểu sao điểm bọn trẻ con toàn 9,10. Tôi nhớ ngày xưa mình đi học thấy được 8 là cũng đã okie lắm rùi. Đang tính hỏi bạn Hoa là gần thi các thấy cô giáo có cho đề trước không??? Ngày xưa tôi nhớ suốt ngày bố mẹ thúc ép học hành, vậy mà lười nhác chỉ thích đọc truyện. Giờ thì ngược lại suốt ngày phải lên giây cót tinh thần cho cô con gái rằng thì là mà người thành công không nhất thiết phải là người học giỏi nhất,có điểm cao nhất mà còn cần rất nhiều thứ khác như giao tiếp, ứng xử xã hội, hiểu biết xã hội vv..v. cho nó đỡ áp lực. Mà con tôi chỉ học ở một lớp chọn của một trường tốt của quận thôi đấy. Hết hè này cô ấy lên lớp 9 nên tôi định dành cả mùa hè cho nó học bơi, Tiếng Anh, học làm bánh, cắm hoa... cho nó mềm mại người đi. vậy mà hôm qua nó đã trình tôi một Bảng thời khóa biểu trong đó có đầy đủ Toán, Lý , Ngoại ngữ.. chương trình lớp 9. Thấy cũng kín cả tuần. Giờ chưa biết làm sao ?

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  6. Thực trạng ngành giáo dục của mình có nhiều bất cập mà ai cũng biết nhưng không thể nói ra được,nói ra cũng chẳng đến tai các ngành các cấp nào cả.Nếu trường nào mà có các xếp như bạn Hoa thì đáng hoan nghênh,nhưng tớ muốn hỏi bạn ?liệu bạn có dám đánh đổi thành tichr của trường mình chỉ để lấy sự trong sạch của người làm quản lý không?Con tớ và con bạn Lê đang học lớp chọn bị đẩy ra lớp thường,còn những cháu khác đến kỳ 2 chưa biết đọc thì vẫn ở lại lớp chọn.Con bạn Lê được hiệu trưởng giải thích là"cháu kia do hoàn cảnh đặc biệt"con tớ thì cô giáo bảo chị thông cảm do đó là trường hợp ngoại giao.Tớ mong sao bạn Hoa lên cao nữa để cải tổ cái nền GD của HP.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngành nào chẳng có tiêu cực, ngày xưa bon mình cũng học lớp thường đấy thôi. Đối với tiểu học, không quan trọng lắm về lớp chọn hay lớp thường, quan trọng là cô nào dạy con mình. Mình chẳng nghĩ làm được điều gì to tát, chỉ miễn sao làm đúng với trách nhiệm và lương tâm của mình, thiên hạ nhiều nhân tài lắm, mình chỉ là một hạt cát trên sa mạc mà thôi. Ở quận mình, có rất nhiều trường đã và đang làm được điều đó. Trường THCS Đà Nẵng, trường THPT Thái Phiên... Đừng quá bi quan, mình chỉ nghĩ con người ta học được, chẳng lẽ gì con mình không học được...

      Xóa
  7. Tôi cũng đồng ý với bạn đấy. Trẻ con bây giờ học nhiều quá! Buồn cười, ngày xưa còn chưa bị "mất dạy", suốt ngày phụ huynh bảo chị ơi dạy thêm cho cháu đi, mình cứ khăng khăng: Ở trường em đã dạy hết rồi, nếu dạy thêm thì chẳng biết dạy cái gì nữa. Chị cứ yên tâm, học thế là đủ rồi. Kể chuyện này ra, những ai trong nghề chắc bảo mình hâm, mà có khi hâm thật vì chẳng ai chê tiền, mỗi mình là không thích dạy thêm để kiếm tiền thôi. Đến bây giờ nói ra thì đau lòng, nhưng mình thấy vẫn đề học bị thương mại nhiều quá, nhiều cô giáo mình thấy việc dạy thêm không phải vì chất lượng mà chỉ vì muốn tăng thu nhập của gia đình. Chính vì vậy bạn cũng nên cân nhắc xem học như thế nào là vừa đủ. Quan trọng là con mình phải tự học là chính, nếu học thêm nhiều quá mà không thời gian để tự học, tự suy ngẫm lại thì cũng bằng thừa.
    Còn việc cho biết đề thi trước thì không bao giờ có. Để tổ chức một kì thi bao giờ cũng phải có hội đồng coi thi, tất cả đều được bảo mật đến giây phút cuối. Tuy nhiên trước mỗi lần thi hết học kì, các cô giáo vẫn ra đề, phô tô bài cho học sinh làm rất nhiều. Nên có thể có những bài trúng với đề thi hoặc dạng tương tự là chuyện đương nhiên.
    Đằng ấy sướng nhỉ, con đã học lớp 9 rồi. Còn tôi đã gần 40 rồi mà vẫn nuôi con thơ đây, biết thế ngày xưa đẻ liền hai đứa nuôi một thể cho xong.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đừng khen tôi sướng vội, tôi vẫn còn một cô con gái nhỏ 3 tuổi nữa. NHưng tôi lại thấy đẻ cách xa như vậy lại hay,. Đứa lớn nó biết nhường và chăm đứa bé. Với lại khi đứa kia lớn rồi. Vũ trụ của nó không phải là ba mẹ nữa nên có một đứa nhỏ vẫn coi mình là nhất thế giới, thấy thích lắm. Con tôi đang tuổi đáng yêu nhất, nói như vẹt, cái gì cũng hỏi, coi mẹ là nhất trên đời nào là mẹ xinh nhất, yêu mẹ nhất, mẹ ngoan nhất, mẹ như công chúa,hoặc tuyên bố rất hùng hồn với ba và chị nó rằng " mẹ là của Bê mà" .. mỗi lần nghe như vậy, thấy bao nhiêu stress rơi đi đâu mất. Mỗi khi về nghe nó gọi "Mẹ ơi mẹ ", ngọt như mía lùi sao thấy tim mình cứ mềm... như bún. Tôi nghĩ có việc chen lấn xô đẩy ở trên mong cho con cái được học ở một trường tốt nhất đều xuất phát từ tình yêu con cái của các bậc cha mẹ thôi

      Xóa
    2. Nhà ấy cũng một gái một nữ như mình à? Tôi cũng có cảm giác xẻ stress khi về đến nhà như bạn đấy. Nhưng mỗi lần nó ho, sốt, nó "cháo hành" mình quá.

      Xóa
  8. Tớ lên nhà HẢi Hà tớ thấy con bạn ấy 8h sáng vẫn đủng đỉnh ăn sáng trong khi con mình thì phải dậy từ 6h.Con bạn áy học trường Quốc Tế ,vậy thì con mình học nhiều như thế liệu sau này kiến thức có giỏi hơn không?

    Trả lờiXóa
  9. Xem những hình ảnh trên mà thấy buồn. Có những việc từ trước tới nay, mình chưa gặp bao giờ. Lạ quá xã hội mình.

    Trả lờiXóa
  10. Mình post thêm bài viết của Trang Hạ "Xin lỗi, em chỉ là… phụ huynh!'
    - Phù…! Cuối cùng thì ta cũng đã trở thành vĩ nhân, chỉ sau một đêm thức trắng!
    - … Tân hôn?
    Không, còn “linh thiêng” hơn thế: Xếp hàng mua đơn dự tuyển cho con vào trường Thực Nghiệm!
    Và chiến thắng đã đến vào giờ quyết định: Cánh cổng trường sụp đổ (do chen lấn), còn phụ huynh thì thừa thắng xông lên?
    - Ồ, chị cũng theo dõi vụ này sao? Ba nhóc nhà chị có đứa nào năm nay vào lớp 1 đâu nhỉ?
    Nhưng ít nhiều thì trong thâm tâm, tôi cũng đã từng bị cả xã hội thôi miên rằng: Giờ đây chỉ có danh tiếng những trường tốt mới cứu vớt được con mình khỏi nguy cơ tị nạn giáo dục…
    - Vậy hóa ra chị cũng từng có chân trong đội quân “ôm lòng đêm” đứng xếp hàng trước cổng trường Thực Nghiệm sao?
    Của đáng tội, cái đức làm mẹ của tôi nó không cao cả đến thế, nên rốt cuộc, các con tôi đều học “trường làng”, đúng tuyến, ngay đầu ngõ! Vì ba lý do: 1 - Tranh đua không phải là dòng máu chảy trong người tôi. Nếu phải đua với ai, tôi xin từ bỏ ngay, vì không cần con mình dứt khoát phải cao hơn con hàng xóm, ăn nhiều hơn, giỏi hơn con bạn bè mình, ra đời thành đạt hơn mình và càng không muốn con mình phải nhìn thấy mình trong hình ảnh đang ganh đua giẫm đạp với đám đông. 2 - Vì dạy con và cho con đi học theo tôi là cả một hành trình dài, ít nhất 20 năm, nên còn quan trọng hơn chuyện chọn trường nào cho con, là câu hỏi: Mình có sẵn sàng "đi học cùng con" không? Có thực sự quan tâm đến tâm trạng của con trong môi trường giáo dục đó hay không?...
    - Điều đáng nói là ngày “xả đơn” của trường Thực Nghiệm năm nay tình cờ trùng vào Ngày của Mẹ nhé, đám đông vì thế thành biểu tượng!
    Đúng là có con rồi mới hiểu lòng cha mẹ! Cha mẹ luôn muốn thứ tốt nhất cho con, nhưng chẳng biết bấu víu vào tiêu chí nào, đành chỉ biết chạy theo ngọn hải đăng trong đêm tối mang tên gọi là "trường điểm". Bởi lẽ hơn ai hết, chính những người đạp rào, đội sương, thức đêm chờ xếp sổ mua đơn cho con học ấy, là những người ít muốn đánh bạc với tương lai của con mình nhất!
    - Hãy tưởng tượng chị là… Thượng đế, vén mây nhìn xuống, thấy một hàng dài phụ huynh rồng rắn, Thượng đế sẽ cười hay… khóc?
    Thượng đế sẽ khóc vì xúc động, nhưng cũng sẽ cười vì mừng thầm: Màn tập dượt ấy rồi đây sẽ còn giúp các bậc phụ huynh có thêm kinh nghiệm chiến đấu khi con vào THCS, khi con bệnh, khi con thi đại học, khi con đi xin việc… Và dẫu sao thì những bậc phụ huynh này cũng làm Thượng đế cảm thấy lạc quan hơn là khi nghe Thiên Tào Bắc Đẩu rỉ tai rằng, bây giờ người ta toàn dùng tiền để xếp hàng hộ thôi. Những người xếp hàng bằng tiền, mà ta không thấy mặt, chẳng nhẽ không đáng lo ngại sao?
    - Chị nghĩ thỏi nam châm nào ở cổng trường Thực Nghiệm đã hút người ta đến thế?
    Đương nhiên ai cũng biết là trường Thực Nghiệm đã được “thơm lây” nhờ người học trò cũ danh tiếng Ngô Bảo Châu. Nhưng tôi nghĩ, trong số những lá đơn giơ cao sáng qua, chắc chắn không phải ai cũng đủ tự tin để mơ con mình trở thành Ngô Bảo Châu đâu! Mà đơn giản, họ chỉ cần mong con mình không phải đi… “liếm ghế” (như ở một trường THCS tại Hà Tĩnh) mà thôi!
    - Thế thì có gì là không chính đáng?
    Vấn đề là trường tốt chắc gì đã là lựa chọn tốt nhất cho con mình? Trường tốt là nơi mà phụ huynh, giáo viên và học sinh mơ mộng nhất trên đời, nhưng giấc mơ giáo dục ấy có mang lại tương lai tốt đẹp cho những đứa trẻ không? Ta không biết, vì ta không thể vơ đũa cả nắm, nhưng thử nghĩ xem: Ở trường điểm, nơi người ta bắt trâu chạy thi với ngựa, thì trâu có hạnh phúc không? Trâu có tiến bộ được không? Con bạn là trâu hay ngựa? Hay nhất thiết con bạn phải là ngựa nòi, ngựa đua, ngựa giống, phải chạy nhanh hơn con nhà khác?

    Trả lờiXóa
  11. cm tiếp
    - Một xã hội coi trọng việc học là thế mà không đáng mừng sao?
    Trái lại, tôi cho rằng đó là bi kịch của một nền giáo dục không mang lại cảm giác an tâm cho các bậc phụ huynh bởi một số không ít những người có trách nhiệm không hề có cảm xúc mừng hay lo trước hiện tượng chạy trường, chọn trường, trái tuyến, thi đầu vào lớp 1...
    - Chị muốn nói gì với những bậc phụ huynh vừa mua được đơn và cả không mua được đơn hôm qua?
    Tôi chia sẻ với những bậc phụ huynh mãn nguyện trong hành trình chạy đua vào trường tốt, và tôi cũng muốn nói rằng: Không sao, dù đến đích hay không, các bác vẫn là những người cha người cha, người mẹ thương con nhất. Và vì có bố mẹ ở bên, nên con các bác sẽ rất ổn, cho dù học trường nào!
    - Hình ảnh những cánh cổng trường sụp đổ (vì chen lấn) gợi lên trong chị cảm tưởng gì?
    Tôi chỉ muốn đưa ra 4 gạch đầu dòng:
    1 - Những trường tốt nhất thế giới là những trường có cánh cổng trường thân thiện, mở ra chào đón người học và mọi vấn đề của người học sẽ được giải quyết ở trong văn phòng, giáo vụ, phòng tiếp đón, phòng quản lý... chứ không phải ở cánh cổng sắt.
    2 - Những trường tốt nhất Việt Nam nên gia cố cổng sắt cho vững chắc hơn (làm thêm rào kẽm gai càng tốt), để đảm bảo không bị thiệt hại vật chất mỗi mùa tuyển sinh.
    3 - Mở lớp luyện thi vượt rào cấp tốc, vượt chướng ngại vật cho phụ huynh trước mùa mua đơn tuyển sinh vào các cấp. 4 – Còn nếu như không muốn những cánh cổng sắt bị xô đổ, Bộ GD&ĐT cần có giải pháp xử lý nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, cải cách lối giáo dục theo thành tích, bỏ khái niệm "trái tuyến, đúng tuyến", hoặc đơn giản nhất là "cho lên mạng download đơn xin học, đăng ký vào trường online để xét tuyển". Nhưng vì nỗi, mọi giải pháp đều là xa vời, nên may ra, chỉ có mỗi việc chăng kẽm gai là có thể làm nhanh nhất!
    - Vậy, túm lại, “xin lỗi, em chỉ là con... tốt, hay con... nợ” của một nền giáo dục lắm hoang mang, nhiều định hướng?
    “Xin lỗi, em chỉ là… phụ huynh”! Các bác nói gì thì nói, hễ cổng trường đổ là em cứ xông vào!

    Trả lờiXóa
  12. bla,bla bla. Vụ này thấy TV và báo đài đưa nhiều. Những ai muốn tốt đẹp cho con thì phải mau làm cái gì đó cho con đi. Những ai đổ cho xã hội này nọ thì xem mình có làm gì để thay đổi được không? Giáo viên và học sinh hiện nay đang là "chuột bạch " cho những dạ án này, trải nghiệm nọ. Thực tế dưới HP này trường công còn nhiều, nhưng tỉ lệ học sinh bị đẩy ra trường tư thục và dân lập vẫn nhiều (6/4) mà còn có mác của CP và TP kia kìa. túm lại là hãy đợi đấy và xem tiếp nhiều vụ nữa.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.