Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Phân tích chuyện Thánh Gióng (ST)


Bài văn của một nữ học sinh trung học phổ thông với đề bài phân tích truyện Thánh Gióng vừa được phát tán trên mạng, được xem như “bài văn lạ” mới, gây xôn xao cộng đồng. Nguyên văn bài viết như sau (xin đăng nguyên văn, kể cả một số từ tạm gọi là “lỗi từ vựng” của thế hệ 9X):
“Truyền thuyết kể lại thật ấn tượng khi Thánh Gióng ba tuổi chưa biết nói cười nhưng khi giặc Ân đến thì thoắt cái vươn vai để trở thành người lớn trong phút chốc, ngay sau đó thì đã dùng gậy sắt, cưỡi ngựa sắt uýnh tan giặc. Wow, thậm chí ông còn dùng cả bụi tre làm vũ khí! Xong xuôi thì thay vì ở lại để nhận huân chương kháng chiến, ông lại vội vã bay ngay lên trời, để lại một loạt fan và người hâm mộ ngơ ngác. Chắc là ông tuy thành người lớn nhưng tuổi vẫn trẻ con nên dễ ngượng trước đám đông, hoặc có thể ông ấy khiêm tốn và không mắc bệnh thành tích như người lớn bây giờ! Em hâm mộ ông, à… anh ấy lắm (mà sao trẻ thế họ lại cứ bắt gọi là ông nhỉ?)! Nếu anh ấy mà không bay mất chắc ối người hâm mộ sẽ chết mê chết mệt. Ôi, anh Gióng thật manly, thật cool – thần tượng của em!


Nhưng em không chỉ hâm mộ mà còn thương anh ấy lắm, mới ba tuổi ranh, chưa biết gì mà đã buộc phải thành người lớn, phải làm chuyện người lớn trong khi chưa kịp hưởng tuổi thơ, tuổi thần tiên, tuổi mộng mơ, tuổi ômai như tụi em…Thật buồn, thật ghét chiến tranh đã cướp đi mất tuổi thơ của anh ấy!


Em thì ngược lại, em có tuổi thơ và thời con trẻ đầy đủ đến phát chán. Thực sự thì em chỉ mong cái tuổi thơ này kết thúc nhanh nhanh và thành người lớn cùng thần tượng của em sớm nhất có thể vì quá tuổi thơ của chúng em quá nhiều lý do để bực bội.


Này nhé: Tuổi thơ lúc nào cũng phải đi học, điểm kém thì bị chửi mắng, thậm chí dính chưởng của phụ huynh, muốn học giỏi thì lại phải quay cóp khi đi thi, em thì lại vụng nên quay toàn bị lộ. Lớp em tụi nó quay siêu lắm, có đứa còn được nhà trang bị điện thoại xịn để nhắn đầu bài, đứa thì móc với giám thị quăng phao cho. Em không biết dùng phao, chết đuối phải roài, hic hic…


Tuổi thơ lúc nào cũng bắt đi sở thú. Đi riết chán ốm vì chẳng có gì để xem. Có mấy con thú ốm nhom cứ đứng vậy hoài. Mà nghe nói một con voi mới tự nhiên lăn đùng ra chết, người ta bảo nó bị bệnh hiểm nghèo, em nghĩ là nó đói thôi. Ba em dạo này làm ăn chứng khoán hay đất đai gì đó mà về quặu nhà hoài, kêu làm ăn thế này thì có mà chết đói cả lũ! Đấy, người còn chết đói nữa là voi… Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.


Tuổi thơ chán chết vì muốn đi chơi chẳng biết đi đâu và đi bằng gì. Xe công cộng thì vừa bẩn vừa hôi, lại chen chúc và luôn chậm giờ, chẳng nhẽ lúc nào cũng bắt gia đình cho quá giang. Em thích đi chơi ngoài thiên nhiên lắm mà không có chỗ nào đi, lại dơ và nguy hiểm nên mẹ không cho. Mà sao cứ đi xa là người lớn lại sợ trẻ con làm chuyện bậy bạ nhỉ? Sao họ cứ suy bụng ta ra bụng người thế? Đi gần thì có mỗi chỗ duy nhất là siêu thị. Dạo này kinh tế khó khăn nên chẳng ai mua gì, cứ đi vào chơi cho mát. Chỗ khu game thì lúc nào cũng phải xếp hàng, tiếng động ẩm ĩ nhức hết cả đầu, haizzz… Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.


Tuổi thơ thật chán vì không có gì để xem. Ca nhạc thì nhảm, lại chẳng có bài vui cho lứa tuổi tụi em. Cứ suốt ngày yêu nhau, bỏ nhau nhảm pà cố! Mà trong mấy cuộc thi Talent trên Ti vi thì tụi trẻ con cũng toàn bắt chước người lớn mới được giải cao đấy thôi, ai mà coi trọng con nít! Phim Việt thì vừa chán vừa toàn chuyện người lớn, mấy cái phim Mỹ hành động thì hay, vậy mà cái hay nhất chuẩn bị chiếu thì lại bị cấm mất vì nghe nói quá bạo lực. Mấy đứa bạn nhà giàu nó còn được bay qua Thái, qua Sin xem chứ em thì potay. Mà lạ thật, trẻ con bên ấy giàu hơn nhưng lại thích bạo lực hơn ở nhà mình nhỉ? Ôi, ước gì em được như Phù Đổng, ước gì em nhanh làm người lớn.


Tuổi thơ thì lúc nào cũng bắt đọc sách. Em cũng thích đọc lắm, nhất là mấy cuốn Manga vẽ tranh đẹp cực! Đọc lời và chữ nhiều đang chán, đọc truyện tranh đang thích thì mẹ lại cấm vì bảo trong đó toàn cảnh phản cảm của con nít làm chuyện người lớn…huhu. Nếu mà thế gọi là làm chuyện người lớn thì em cũng thích làm người lớn. Thích thế nhưng mà rất khó, mấy đứa con trai cùng lớp thỉnh thoảng cứ hay rủ đi chơi xa, vào nhà nghỉ làm chuyện người lớn. Thích đấy nhưng mà quá nguy hiểm, nhỏ L. lớp kế bên đi chơi riết rồi tự nhiên có em bé đó, kỳ lắm. Nhưng ở nhà cũng ghê thấy mồ à, mấy cha hàng xóm mắc dịch và biến thái cứ hay gạ qua nhà làm chuyện người lớn rồi cho tiền, cho kẹo… Sao làm trẻ con khổ thế!? Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.


Mà làm người lớn cũng dễ ợt chứ có gì đâu. Em nghe nói nhỏ kia chưa đến 18 đã khai man để có bạn trai sớm. Mà vừa mấy bữa trước thấy nó còn ốm nhom trên ti vi, nghe dì Năm nói nó giải phẫu thẩm mĩ vòng 1 siêu khủng, nâng mũi dọc dừa, mất mấy ngàn đô lận, thế rồi thành hotgirl, được người ta rủ đi chơi mà trả tới hai chục ngàn đô lận. Cho nên chắc em sẽ phấn đấu thành hotgirl trước, rồi sau đó sẽ đăng ký vô mấy cuộc thi Miss sìtyn để kiếm vận may. Làm người lớn vừa có giá, vừa tự do chẳng ai quản lý. Mẹ cấm đoán em chắc chỉ vì thiếu tiền, chứ em mà kiếm được mấy cha đại gia thì sẽ bao cả nhà ăn chơi nhòe luôn.


Đấy, sao cứ phải thời chiến mới trở thành người lớn lẹ được? Mà nói rồi mới nhớ và tiếc thần tượng của em. Giá anh Gióng mà không bay về trời thì ở lại thành đại gia là chắc. Đẹp trai, tiền thưởng nhiều như thế thì thiếu gì hotgirl xin chết?


Vậy xét cho cùng thì đâu ai cần tuổi thơ nhỉ? Em chỉ muốn làm một việc gì có ý nghĩa, em muốn học tập Thánh Gióng nhanh để trở thành người lớn, em chỉ muốn có nhiều tiền, nhưng làm thế nào nhỉ? Haizzzz…”.


Nhận xét của giáo viên: “Bài không những lạc đề mà tư tưởng có vấn đề! Đề nghị gia đình chú ý giáo dục! 0 điểm” @ theo TT&VH

12 nhận xét:

  1. Đọc bài này của ông, tự dưng tôi thấy lo ghê. Trẻ con bây giờ khác chúng ta nhiều nhiều quá. Con tôi cũng 9x đời cuối đấy. Cũng hay hỏi han han và xem văn chương của nó, cũng không đến nỗi nào. Tôi nghĩ chắc trường hợp này cá biệt và không được bố mẹ quan tâm

    Trả lờiXóa
  2. Tôi cũng thấy như vậy. Bài văn diễn đạt khá rõ ràng, mạch lạc, bám đúng theo yêu cầu đề bài là "Phân tích truyện Thánh Gióng" vì đến cuối vẫn đưa "anh" Gióng để làm câu kết. Tuy nhiên cách hiểu và suy diễn của học sinh thì thật trầm trọng. Không thể nói lạc đề được mà sai lệch hẳn về cách sống và quan điểm sống không chỉ của bản thân học sinh đó mà cả là cách giáo dục của gia đình. Đó cũng chính là bài học cho mình trong việc giáo dục, kèm cặp con cái. Càng lớn việc ảnh hưởng của môi trường đến trẻ càng cao. Chính vì vậy nên người ta cứ cố công xin con vào lớp chọn mặc dù biết khả năng của con mình không thật giỏi. Trước mọi vấn đề tốt xấu của xã hội nếu cha mẹ không định hướng và kiểm tra giám sát con cái tốt thì quả là nguy hại!

    Trả lờiXóa
  3. Tôi nghĩ cô bé dám nói ra suy nghĩ của mình và một số vấn đề cô bé nêu ra cũng có tính thời sự đấy chứ.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Mình có cách nhìn khác, chí ít em học sinh này có lực học khá về môn văn:
    Không phải em ý không biết gì nên đã làm lạc đề, sai đề mà em này cố tình viết bài theo kieu ấy với mong muốn gây sự chú ý hoặc muốn khẳng định điều gì đó.
    Đọc bài văn thấy mạch văn, câu cú, ngữ pháp rất rõ ràng, mạch lạc. Học sinh có lực học trung bình không thể viết được bài văn như vậy.
    Bài văn có mở bài, thân bài, kết luận đầy đủ, phân tích, dẫn chứng đưa ra cụ thể, xuyên suốt bài vẫn được lồng ghép khéo léo, vẫn nói đến Thánh gióng.
    Có những vấn đề em học sinh này dám mạnh dạn nói nên những suy nghĩ của mình về thực trạng xã hội đang rất nóng bỏng – mà ngay cả người lớn chúng ta ít ai dám lên tiếng.
    Rõ ràng nếu viết theo yêu cầu bài văn như Thầy cô mong muốn hay nói cách khác là thuận theo cách nghĩ, cách nhìn chuẩn thì em HS này thừa sức viết được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đồng tình với quan điểm của bạn. Cô bé với "bài văn kỳ lạ" đã mượn truyền thuyết để châm biếm hiện thực xã hội ngày nay. Cô bé đã rất trung thực khi viết về căn bệnh hình thức, quay copy trong thi cử, chất lượng đào tạo bao gồm cả tri thức và nhân cách sống, các trung tâm giải trí công cộng...
      Tôi tự hỏi: Tư tưởng lệch lạc là do ai, và ai tự cho mình cái quyền là luôn luôn đúng. Trách nhiệm của Giáo Viên như thế nào nếu nói tư tưởng cô bé có vấn đề.
      Tại sao lại chỉ đổ lỗi cho có bé và gia đình nhỉ?

      Xóa
  6. Tôi lại không đồng ý quan điểm với bạn! Nếu đây là bài của học sinh tiểu học hoặc đầu cấp THCS thì tạm thời chấp nhận về nội dung có thể do em nhìn nhận vấn đề chưa thấu đáo. Còn đây là bài của học sinh THPT. Lứa tuổi đó thừa biết mình phải làm gì trong mỗi tình huống. Nếu muốn nổi tiếng, muốn gây sự chú ý không thiếu gì cơ hội đối với một thanh niên tạm coi là có năng khiếu về cách diễn đạt. Đây là bài học trên lớp với những kiến thức được học về lịch sử dân tộc em đó không bao giờ và không thể được phép làm vậy. Nếu em đó muốn trình bày quan điểm của mình về những vấn đề nóng bỏng của xã hội thì đâu có thiếu gì diễn đàn cho các em thể hiện. Khi đọc bài văn này tôi chỉ thấy đây là một học sinh không được sự định hướng đúng đắn trong phương pháp giáo dục của cả gia đình và nhà trường. Em đó đã bị ảnh hưởng những mặt xấu nhiều hơn là mặt tốt của xã hội. Một học sinh không hề hiểu và tôn trọng lịch sử có thể chỉ là truyền thuyết nhưng đó cũng là một biểu tượng mà cả dân tộc chúng ta ngưỡng mộ. Thử hỏi những chủ nhân tương lai của đất nước mà có cách suy nghĩ như vậy thì tương lai nước nhà sẽ ra sao? (Xin lỗi tôi hơi quá đà - nhưng quả thật là rất bức xúc đối với những người trong ngành như chúng tôi)!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    2. Bạn ah! Tôi cho rằng nếu là HS tiểu học hay đầu cấp THCS thì chưa thể viết được bài văn với chất giọng đầy châm biếm, cách hiểu thấu đáo về thực trạng xã hội ta ngày nay như thế được. Để mà "tạm thời chấp nhận về nội dung có thể do em nhìn nhận vấn đề chưa thấu đáo". Đúng là em ấy đã chưa đúng khi viết bài này trên lớp học, và hậu quả là nhận quả trứng tròn vo. Ở lứa tuổi này tâm sinh lí rất phức tạp, do ảnh hưởng của gia đình, nhà trường và cả xã hội, ở lứa tuổi này chúng có những suy nghĩ đôi khi không giống như người đã trưởng thành. Mỗi em có cách thể hiện khác nhau. Nếu em HS này viết bài một cách bình thường như hàng chục, hàng trăm HS khác hoặc như bạn viết “muốn nổi tiếng, muốn gây sự chú ý không thiếu gì cơ hội đối với một thanh niên tạm coi là có năng khiếu về cách diễn đạt” thì sự việc đã khác. Và em ấy đã chọn cách này. Thế mới là cái tuổi ẩm ương! “Trẻ con chưa qua, trưởng thành chưa tới”.
      Không thể, chỉ duy nhất một HS này thông qua bài văn này mà đánh giá em “là một học sinh không được sự định hướng đúng đắn trong phương pháp giáo dục của cả gia đình và nhà trường” Giả sử đúng như vậy thì thật là quá tệ cho ngôi trường ấy, cho vị phụ huynh ấy…..nhìn nhận như vậy hơi tiêu cực!?
      Có thể đó chỉ là hành động bột phát nhất thời của cái tuổi mà đang ở ngưỡng ẩm ương này biết không hợp lý theo đúng như quy luật mà vẫn cứ làm. Cái tuổi này phần lớn các em chưa có cái nhìn bao quát thực sự như những người đã trưởng thành.
      Chắc gì em HS này đã làm theo y như những gì đã viết trong bài văn. Và cả chúng ta nữa Tôi chắc chắn một điều ai cũng mong muốn mình là một công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội nhưng có ai dám khẳng định: trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh luôn luôn làm theo như những gì mình đã viết và đã nói không???
      Có rất nhiều trường hợp viết hay nói giỏi, nhưng chưa chắc đã là một công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
      Dù sao tôi cũng chúc mừng em HS này, bài văn đã gây xôn xao trong dư luận mấy ngày qua với nhiều luồng ý kiến trái chiều khác nhau, trong đó có cả chúng ta.
      Và đây cũng chính là mấu chốt vấn đề - góc nhìn riêng ở một khía cạnh nhất định mà tôi đã từng nhận xét ở phần trước khi đọc bài văn lạ này.

      Xóa
  7. Bạn BLT làm lãnh đạo quen rồi nên quên mất cách làm văn rồi nhể. Văn phân tích nó như thế nào. Với bài văn loạn cào cào kia mà nói là:Bài văn diễn đạt khá rõ ràng, mạch lạc, bám đúng theo yêu cầu đề bài là "Phân tích truyện Thánh Gióng" vì đến cuối vẫn đưa "anh" Gióng để làm câu kết. chỉ gật đầu với bạn :Tuy nhiên cách hiểu và suy diễn của học sinh thì thật trầm trọng. Không thể nói lạc đề được mà sai lệch hẳn về cách sống và quan điểm sống không chỉ của bản thân học sinh đó mà cả là cách giáo dục của gia đình. Chắc tại hs này không vào trường thực nghiệm học quá.BLT đừng bức xúc với những người trong ngành như thế. Giáo viên có giỏi đến mấy mà học sinh hổng kiến thức thì bó tay.com. Chưa kể bây giờ hiện tượng tự sướng nhan nhản cộng với việc sử Ta không hay,sử Tàu sử Hàn đọc vanh vách theo ti vi,các phương tiện truyền thông thì giáo viên phải chịu à?Có thấy ti vi mấy ngày hôm nay phản ánh truyện ngôn tình Trung quốc tràn ngập và dìm một phần lớp trẻ trong tình lãng đãng mơ hồ không? giả sử con bạn thì sao?

    Trả lờiXóa
  8. Có thể mỗi chúng ta có một quan điểm khác nhau như thế mới tạo nên xã hội với nhiều gam màu khác nhau. Cùng trang lứa và có thể cùng lý tưởng sống như chúng ta mà còn có những quan điểm khác nhau đến như vậy về một vấn đề chứ nói gì đến sự nhìn nhận của một thế hệ 9x. Tôi không bảo vệ quan điểm của tôi là đúng, tuy nhiên tôi phải khẳng định rằng không Thầy - cô nào dạy các cháu những quan điểm sai lệch và kiểu tư duy như vậy. Nếu xét tầm vĩ mô về giáo dục thì còn rất nhiều bất cập giữa lý thuyết và thực tế mà mỗi bậc học, cấp học cần có sự thay đổi. Còn mỗi quan hệ giữa nói và làm thì lại là khía cạnh khác. Ta mới chỉ nói đây là sự nhận thức của em học sinh đó về xã hội hiện nay. Trong trường hợp viết bài văn kiểm tra ở góc nhìn nghiêm túc, bản thân tôi không thừa nhận và không
    đồng tình với quan điểm của em học sinh này. Thử hỏi nếu chúng ta cứ đồng tình và ủng hộ như thế thì sẽ còn bao nhiêu "bài văn lạ" như thế xuất hiện trong những giờ kiểm tra như thế?
    @ Hưng: Ông đọc kĩ lại nhận xét của tôi, ông hiểu nhầm ý tôi viết rồi đấy.

    Trả lờiXóa
  9. Dẫn lại nguyên văn nha:"Tôi cũng thấy như vậy. Bài văn diễn đạt khá rõ ràng, mạch lạc, bám đúng theo yêu cầu đề bài là "Phân tích truyện Thánh Gióng" vì đến cuối vẫn đưa "anh" Gióng để làm câu kết." Đã sai chưa? Đừng nói là soi câu chữ. Câu trên bà viết thế mà câu dưới lại :"Tuy nhiên cách hiểu và suy diễn của học sinh thì thật trầm trọng. Không thể nói lạc đề được mà sai lệch hẳn về cách sống và quan điểm sống không chỉ của bản thân học sinh đó mà cả là cách giáo dục của gia đình". Cái cách này là chân nam đá chân chiêu đó bà.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.