Gửi tặng cả nhà một bài báo mình mới được đọc. Xin ý kiến các bạn.
Thứ Tư, 01/05/2013, 10:00 AM (GMT+7)
Những HS giỏi không vào sư phạm, HS kém đi làm thầy. Đương
nhiên họ cho ra lò những thế hệ thầy tiếp theo không ít thì nhiều theo hình ảnh
của chính họ.
"Hải Phòng là một trung tâm giáo dục lớn của đất nước, biết bao danh
nhân tài tử đã từng học hành tại đây. Bây giờ người Hải Phòng lại tự hào 18 năm
liền có HS đoạt huy chương trong các cuộc thi (toán, tý...) quốc tế. Tuy nhiên,
để niềm lạc quan ở trong trạng thái phởn phơ như nhà lãnh đạo giáo dục Hải
Phòng thể hiện thì lại là chuyện phải bàn.Những ngày vừa qua, ông Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Hải Phòng trong lòng không vui. Ông bị lãnh đạo thành phố (TP) gọi lên khiển trách bởi những sai lầm trong việc thực thi nhiệm vụ của mình.
Vào một buổi chiều tháng 8, từ trên bộ có điện thoại gọi xuống: “Học sinh (HS) Hải Phòng (HP) được huy chương vàng trong cuộc thi Olympic quốc tế”. Hôm sau người ta thấy ông xuất hiện trên các diễn đàn địa phương nói với niềm vui đắc thắng: “HP là nơi duy nhất trong nước 18 năm liền đoạt được huy chương trong các kỳ thi quốc tế”.
Ngồi trước tivi, Nguyễn T - một anh nhà giàu mới nổi - dù luôn nghi ngờ những ai có dính dáng đến chuyện học cũng phải thốt lên: “HP giỏi thật!”. Vợ anh hả hê: “Thì con mình cũng là HS giỏi kém gì!”. Anh T lườm vợ: “Giỏi gì ngữ nó!”, vì anh biết tỏng thằng con mình thích gặp người thu tiền cá độ bóng đá hơn là gặp các thầy cô. Cũng vừa lúc đó, cô giáo toán Trường Trần Phú nghỉ hưu LTMH đang bay sang Mỹ thăm con. Một HS của cô từ 20 năm trước có nhã ý tặng vợ chồng cô vé máy bay để cảm tạ cô đã dạy anh biết làm người.
Vì huy chương vàng
Có một đặc trưng của nền dân chủ: Đa số quan trọng hơn thiểu số. Nhiều thế kỷ trước, nhạc cổ điển là thống soái. Ngày nay, nhạc cổ điển đã bị các trào lưu âm nhạc đại chúng (pop, rock...) chèn ép đến chỗ sống dở chết dở ngay tại phương Tây quê hương của nó. Đơn giản bởi nhạc cổ điển chỉ dành riêng cho một thiểu số người mũ cao áo dài chọn lọc. GD cũng vậy. Một nền GD dân chủ được xem như là lành mạnh phải biết đào tạo bao nhiêu người giỏi hơn là ai giỏi.
Xã hội gồm nhiều người giỏi chắc chắn sẽ là một xã hội tốt. Nên nhớ, mục tiêu của GD là đào tạo những con người giỏi biết sáng tạo, có tư duy phản biện, chứ không phải các HS làm bài thi giỏi. Hy vọng vào những huy chương trong các kỳ thi quốc tế để giải cứu cho thực trạng GD đại trà, nhàn nhạt với những HS khá, giỏi như kiểu cậu con anh T, các nhà lãnh đạo GD HP đã bị lạc đường. Họ là những người thông minh, nhưng đi theo tiếng gọi của bản thân, của căn bệnh thành tích đã di căn vào gan ruột GD Việt Nam, hơn là vì những sứ mệnh thiết thân của chính GD.
Trong những cuộc họp, các nhà lãnh đạo GD HP thường dẫn ra nhiều giải pháp cho thực trạng ngành. Có điều chưa bao giờ họ nhấn mạnh giáo viên (GV), chứ không phải tấm huy chương, mới là giải pháp căn bản. Thực ra họ biết quá rõ. Thế nhưng thay đổi GV khó hơn thay đổi huy chương rất nhiều. Bởi vì, GV đã là vấn đề khoảng 40 năm trước, khi mà trong giới HS truyền khẩu “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm”.
Ngày nay, trong trào lưu thương mại hóa GD, không ít GV - sản phẩm của sự bỏ qua sư phạm, nỗi kinh hoàng của quá khứ, tự nguyện biến mình thành nô lệ của thần tài. Họ làm giàu bằng HS. Nhờ vào dạy thêm, nhiều cô giáo ngồi ôtô mặc váy xòe đi nhảy đầm. Có cô hiệu trưởng một trường tiểu học nổi tiếng nhất quận Ngô Quyền, ngày tết mang tiền mừng tuổi đi rải khắp nơi nhờ tài năng XHH (thu tiền cha mẹ HS) của mình!
Người xưa đã nói: “Muốn đứng tại chỗ phải chạy thật nhanh”, những cái ngày xưa là tốt thì bây giờ chưa đủ tốt. Thế mà GV ngày nay rất ít người chịu học thêm, nhiều thầy thích đánh đề hơn giải toán. Trong đầu cô giáo dạy văn K.A không có quá 5 cuốn sách. Giáo viên tiếng Anh T.N. của trường năng khiếu Trần Phú lăng mạ HS thậm tệ trên lớp chỉ vì chúng chê cô kém!
Chính vì không giỏi, GV không thể trở thành người định vị cho tâm hồn HS. Họ chỉ biết dạy HS làm bài kiểm tra chứ không dạy chúng tư duy. Không giỏi tư duy, chúng có thể gây sửng sốt cho ai đó bởi tài năng thi cử, nhưng khó có thể trở thành doanh nhân tài giỏi, hoặc phát minh ra những thứ chưa từng tồn tại... Thực tế mấy chục tấm huy chương vàng chưa làm được gì cho sự phát triển xã hội HP.
Hiện nay, nhiều trường bỏ tiền (cha mẹ HS) thuê các công ty dạy HS kỹ năng sống. Họ quên mất rằng chính họ quyết định một trong những kỹ năng sống quan trọng nhất của con người: Đó là khả năng, khát vọng học tập suốt đời. Chỉ có như vậy, con người mới tồn tại được trong thế giới phẳng, nơi sự cạnh tranh đã mở rộng ra toàn cầu. HS HP không chỉ cạnh tranh với các HS HP, họ sẽ phải nghĩ đến chuyện cạnh tranh với HS Trung Quốc, Hàn Quốc.
Nói ra điều này, một nhà lãnh đạo GD HP nở nụ cười rất lịch sự: “Nhà báo kể chuyện viễn tưởng”. Đúng rồi! Với trình độ của GD HP hiện nay, chuyện đó hoàn toàn viễn tưởng. Tuy nhiên, thế giới không chờ chúng ta. Tổng thống Mỹ nói: “Quốc gia nào vượt chúng ta trong GD ngày hôm nay sẽ vượt chúng ta trong mọi lĩnh vực của ngày mai”. Vì thiếu khát vọng, đã khiến các nhà lãnh đạo GD nuôi dưỡng trong đầu chỉ những suy nghĩ ngắn hạn.
Có một điều rất ngạc nhiên họ luôn kêu ca GD bị áp lực của phụ huynh. Bốn năm trước đây, trong một lần gặp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tại Seoul, Tổng thống Mỹ Obama đã hỏi để biết tại sao Hàn Quốc lại phát triển nhanh như vậy: “Thách thức lớn nhất trong ngành GD của ngài là gì?”. Câu trả lời là: “Đòi hỏi quá cao của các phụ huynh!”. Rồi ông nói tiếp ngay cha mẹ của tổng thống vẫn phàn nàn ông chưa đủ thành công!
Tháng 1.2011, tờ Wall Street Journal giới thiệu cuốn sách của bà Amy - giáo sư luật tại Đại học Yale - “Bài ca chiến đấu của mẹ hổ”. Cuốn sách gây ra làn sóng tranh luận trên các diễn đàn GD, do sự khác biệt văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Nhưng điều không ai tranh cãi: Đa số HS thành công đều được sự săn sóc của gia đình. Thiên tài như Beethoven còn bị cha cầm roi bắt học đàn. Muốn thành công mỗi HS phải khổ luyện, không thỏa mãn với chính mình và chỉ có thầy cô giỏi mới giúp chúng vượt qua sự vấp ngã, tự đứng dậy để tiến lên.
Những bông hoa mọc trên nền đất rắn
Giống như mọi loại tài năng, GV giỏi luôn luôn hiếm, không phải thứ được sản xuất đại trà trong các nhà kính công nghiệp. Hằng năm, GD HP đều tổ chức lễ tôn vinh GV giỏi. Vì
Một lần như vậy, trong lúc trên sân khấu lớn quan chức GD tặng hoa cho một cô giáo, thì ở một góc hội trường, HS cô này mang hoa đi tặng cho cô giáo khác - người được chúng tôn trọng vì dạy giỏi (dù không có HS đi thi toán quốc tế), và lại có nhân cách vàng. Sẽ thật tuyệt vời nếu ngoài hội đồng thi đua, các nhà lãnh đạo GD lại cho HS cái quyền bỏ phiếu cho những GV có ảnh hưởng lớn đến chúng. Họ chính là GV giỏi thực sự.
Người HP luôn kính trọng những cái tên thầy cô giáo: Nguyễn Phan Long (trường Hồng Bàng), Trần Thị Nhung (trường Đinh Tiên Hoàng), Nguyễn Thục Hương (trường Ngô Quyền), Thái Bích Vân (trường Nguyễn Văn Tố), Trần Hồng Minh (trường Nguyễn Du), Trần Thị Thu Hằng (trường Năng khiếu Trần Phú)... Họ vừa dạy giỏi vừa có tấm lòng vàng với HS.
Từ nhiều năm nay cứ đến mùa hè, khách sạn 6 sao trên đảo Hòn Tre, Nha Trang lại mở cửa đón gia đình cô giáo LTMH. Đây là một trong rất nhiều món quà mà HS cô đã “kính tặng cô vì cô đã dạy chúng em biết cách làm người”, như lời lẽ trong bức thư chào mừng đặt sẵn ở phòng cô tại khách sạn. Tuy đã nghỉ hưu, mỗi lần HS tổ chức gặp cô, họ đứng xếp hàng đón cô như đón nguyên thủ quốc gia. Lần lượt từng người đến ôm hôn cô và gọi cô rất trìu mến “bu!”, có học sinh chỉ kém cô 7 tuổi!
Khi biết cô có vấn đề sức khỏe, họ đề nghị cô vào TPHCM. Thấy cô chưa bán được nhà, họ mời cô đến cho cô vay tiền. Cô đi một mình tay không vì nghĩ sẽ được cầm vàng hoặc USD. Song cô giật mình khi thấy họ đưa cho cô một cục to tướng hơn 2 tỉ đồng tiền Việt. Cô hiểu ra ngay thịnh tình của họ. Cô không có HS đi thi toán quốc tế, nhưng cô có một tấm lòng thương yêu học trò thực sự của một người mẹ giỏi giang.
Cô như nước của Lão Tử, khe hở nhỏ nhất nào cũng lọt qua song có sức mạnh bào mòn được đá. Cô trong sáng như tên gọi của mình. Nghỉ hưu, cô về dạy tại trường tư của GS Văn Như Cương, một người nổi tiếng khó tính. Cứ vài ba năm GV ở đây lại nhận được một lá thư cảm ơn mời... ra khỏi trường. Riêng cô thì không. Thậm chí, các cháu GS được gửi hết cho cô dạy.
Một người mẹ đến tìm cô than phiền: Con bà bị stress định tự tử. Cô đưa cháu về dạy dỗ, nay cháu đã đi du học nước ngoài. Tất cả HS vấp ngã gặp cô đều tự mình đứng dậy được. Tôi biết chuyện cô từ một người em ruột cô và các đồng nghiệp, học trò của cô. Người Trung Quốc nói: Quan Công cũng có kẻ thù, Tào Tháo cũng có bạn. Tôi dám chắc rằng câu đó không đúng với cô. Cô Hằng chỉ có bạn và không có kẻ thù.
Trung tâm ngoại ngữ Hà Trường có 7 lớp học, song chỉ có 1 GV: Anh Hà Văn Trường. HS của anh phần lớn là các sinh viên năm cuối ĐH Hàng hải, ĐH HP. Họ cần tiếng Anh để có thể vượt qua được các cuộc phỏng vấn tìm việc. Những điều diễn ra ở đây hoàn toàn không giống ở bất kỳ trường học nào tại Việt Nam mà tôi biết. Gần hết thời gian trên lớp là của HS tự học. Không có cái cảnh HS thụ động ngồi chờ GV bón mớm đủ thứ kiến thức, học thuộc rồi nhè chúng ra trong các bài thi kiểm tra liên miên, xong là quên sạch.
Phương pháp GD xưa cũ mang nặng trật tự truyền thống “thầy là trung tâm” đã từng kiêu hãnh, không tồn tại ở chỗ này. Hệ thống mệnh lệnh và kiểm soát nhằm áp đặt mong muốn của người thầy lên HS trong các trường học Việt Nam, đã bị thay thế bằng hệ thống kết nối, tương tác. Ở đây, thầy Trường xác định mục tiêu, chương trình học cho HS, rồi tổ chức nhóm học tập, họ sẽ hợp tác với nhau để đạt mục tiêu. Thầy chỉ dạy những điều không có ghi trong sách, kiểm tra, xác nhận kết quả. Đặc biệt, thầy Trường khuyến khích HS ra câu hỏi đúng hơn là phải nhớ câu trả lời đúng. Khả năng tư duy phản biện được đánh giá cao hơn việc làm bài kiểm tra.
Trưởng thành từ người tự học, thầy Trường không bị những giáo điều của GD chính thống bóp nghẹt. Thầy có kiến thức rộng rãi và có niềm vui được chia xẻ chúng với các HS. Là một nhân cách độc đáo, thầy biết cách thổi cảm hứng để giúp cho họ vượt qua sự thiếu tự tin, nỗi sợ thất bại. Tôi không ngạc nhiên thấy có HS – giám đốc doanh nghiệp, tự nguyện đi lau cầu thang vì không làm bài kiểm tra đầy đủ theo quy chế của HS tự lập ra.
Ở TT này thầy có uy tín tuyệt đối. HS thầy Trường lễ phép nhưng không rụt rè, cởi mở nhưng rất nghiêm túc. Phần lớn họ gọi thầy Trường là bố, vì ngoài việc dạy HS cách chia động từ, thầy còn giúp họ học cách sử dụng thì tương lai cuộc đời mình. Chỉ qua thái độ HS có thể biết được hiệu quả GD ở TT ngoại ngữ Hà Trường này. Very good!
Chuyện người HP dạy học cũng chính là chuyện về người VN dạy học, bởi tất cả đều ở chung dưới một gầm trời.
Thời buổi kinh tế thị trường nên "giáo dục" cũng là món hàng tiêu thụ đặc biệt mà ko fải áp thuế.
Trả lờiXóaThời buổi kinh tế thị trường nên "giáo dục" cũng là món hàng tiêu thụ đặc biệt mà ko fải áp thuế.
Trả lờiXóaĐồng chí lâu quá không xuất hiện. Tôi cứ áy náy mãi về vấn đề đó. Buồn quá! Lực bất tòng tâm.
Trả lờiXóa