Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Ngược thời gian với Chứng nhân Lịch sử

Lê Bá Dương sinh ngày 10 tháng 4 năm 1953 tại Nghệ An và trải qua tuổi thơ tại đây. Tháng 4 năm 1968, khi mới 15 tuổi anh khai tăng tuổi để được nhập ngũ[1]. Sau 2 tuần huấn luyện và 1 tháng hành quân, Lê Bá Dương vào chiến đấu ở Quảng Trị. Trong trận chiến đầu tiên của anh tại thôn Đông Trì thuộc mặt trận Đông Hà, mới 15 tuổi 49 ngày Lê Bá Dương đã trở thành dũng sĩ cấp II nhờ diệt hơn chục lính Mỹ. Trong trận đánh đồi Thám Báo (cao điểm 544), anh cùng 3 đồng đội chiến đấu gần một ngày, đẩy lùi rất nhiều đợt tấn công của 2 đại đội địch. Cuối cùng, khi địch tràn ngập trận địa, Dương giật 3 quả pháo hiệu làm hiệu cho pháo của Quân giải phóng phá hủy trận địa, chấp nhận cùng hy sinh nhưng may mắn anh chỉ bị ngất đi[1]. Trước lúc đó, anh đã dùng máu từ vết thương mình viết vào tấm ảnh Hồ Chí Minh mà anh luôn mang trong người những dòng chữ: "Bác Hồ ơi, bắt đầu từ hôm nay 20-6, con cùng đồng đội bắt đầu nổ súng diệt địch, dự (giữ) chốt đến cùng. Quán diệt được bảy tên, Hòe, Dương mỗi người hơn một chục. Ghi sâu lời Bác dạy, hễ còn tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi. Bác ơi, quyết tâm của chúng con, trách nhiệm của chúng con là dự chốt…[2].
Một trận đánh khác tại Tây Bắc huyện lỵ Cam Lộ đã trở thành cội nguồn của việc sau này anh về thắp hương trên núi, trên đồi, thả hoa xuống suối sông. Đêm đó, sau trận đánh cao điểm 322 (giữa tháng 11 năm 1969), đại đội của anh lúc ấy gồm 67 người vừa mới dừng chân để nấu ăn thì một loạt bom B52 dội xuống đội hình. Trận bom quét qua chỉ mấy giây đồng hồ nhưng đại đội chỉ còn đúng 6 người[1].
Từ 1968 đến 1973, qua nhiều trận đánh vào sinh ra tử trên khắp chiến trường Quảng Trị, Lê Bá Dương đã được phong tặng danh hiệu "dũng sĩ diệt cơ giới", "dũng sĩ diệt máy bay". Trên mặt trận B5 (đường 9, Quảng Trị) đương thời từng dấy lên phong trào “Xung kích như Lê Bá Dương, chốt chặt như Lê Bá Dương”. Các tờ báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân, báo Tiền phong đã có nhiều bài viết và in ảnh Lê Bá Dương mặt trẻ măng, kẹp AK giữa chiến trường, với ánh mắt trong veo và đôi môi mím chặt[3].
Hiện nay, mang trên mình 14 vết thương và 1 ngón tay để lại chiến trường, Lê Bá Dương vẫn tiếp tục chụp ảnh và cầm bút với tư cách phóng viên thường trú báo Văn Hóa tại chi nhánh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Nha Trang), hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP)[4].

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.