Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

"Tháng Tư chỉ có 30 ngày”

Tình yêu của những người lính dành cho Tổ quốc, dành cho lứa đôi vẫn đang được lan truyền trong lớp cháu con…
“Tháng Tư chỉ có 30 ngày” là tên một bộ phim của Cộng hòa dân chủ Đức nói về mối tình của 2 chiến sĩ cộng sản Đức, hoạt động bí mật chống chế độ Hítle. Họ gặp nhau và yêu nhau trong tháng Tư rồi sau đó mỗi người phải đi một ngả…
Cảnh trong phim "Mùi cỏ cháy" biên kịch Hoàng Nhuận Cầm.
Lời than thở của đôi lứa yêu nhau ấy cứ đọng mãi trong anh. Bởi thế hệ các anh có quá nhiều đôi lứa như vậy. Một câu hát vang vọng lòng người lúc ấy: “Dù có lỡ hẹn tình năm trước, anh em ta ơi. Đời chưa hết giặc là ta chưa về!”.
Năm nay, kỷ niệm rất to 40 năm giải phóng Quảng Trị, cũng là 40 năm trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Anh và bạn bè cùng lứa rủ nhau đi xem phim “Mùi cỏ cháy”.
Hoàng Nhuận Cầm, một người lính, học sau anh một khóa ở khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, dựng kịch bản phim dựa vào “Nhật ký Nguyễn Văn Thạc”, cũng là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng nhập ngũ 5/9/1971.
Với Hoàng Nhuận Cầm, bộ phim là một nén hương nhớ Nguyễn Văn Thạc và các liệt sĩ đồng đội của mình. Với bọn anh hôm nay, đến rạp xem phim để cảm ơn Thạc, Cầm… đã nói hộ thế hệ của mình và nói với lửa trẻ hôm nay, rằng “đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi sống hoài, sống phí…”.
Xem phim, các anh ai cũng khóc. Tan rạp, ra đường, thả bộ trên đường. Đó là một đêm đầu mùa hè. Lúc chiều trời mưa nên đường phố mát mẻ. Mát mẻ như 40 năm trước. Một đêm hè. Anh hỏi người bạn gái thuở nào: “Theo bà, thế nào là một đêm hè?”. Ở tuổi đã lên bà nhưng vẫn đôi mắt ấy, cái miệng cười duyên ấy, nàng cười hóm hỉnh, không trả lời.
Ôi, chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu đêm hè. Đặc biệt là “mùa hè đỏ lửa” 1972. Mãi gần 40 năm sau, đọc “Nhật ký Nguyễn Văn Thạc”, anh mới biết cũng ở Thư viện Quốc gia Hà Nội, hơn một năm trước, Thạc hứa với người yêu trong mơ: 30/4/1975, Thạc sẽ nói lời tình yêu với nàng.
Lứa tuổi các anh là vậy. Đa phần các chàng trai trẻ nhập ngũ còn chưa biết cổ tay con gái tròn hay dẹt. Yêu nhau mãnh liệt, yêu cho đến lúc chết. Nhưng khi Tổ quốc cần sẵn sàng gác lại mối tình dang dở, lên dường vào Nam chiến đấu.
Bây giờ nghĩ lại, thấy những món ăn tinh thần vô giá mà cha ông đã để lại cho các anh, thế hệ sinh ra và lớn lên trong ánh hào quang của Điện Biên Phủ, những “Thép đã tôi thế đấy”, những “Bông hồng vàng” và “Bài ca người lính”, “Đợi anh về” đã góp phần làm nên gương mặt người lính Cụ Hồ.
Và thế hệ các anh, cũng đã góp phần làm nên một Mậu Thân 68, Đường 9 - Nam Lào, Thành cổ Quảng Trị và Mùa xuân 1975. Và quý giá hơn, những nhật ký của tuổi đôi mươi để lại cho thế hệ trẻ hôm nay. “Cơn sốt” trong giới trẻ đọc những trang nhật ký để lại ấy làm cho các anh thêm tin yêu cuộc sống này. Và an ủi rằng tình yêu của các anh dành cho Tổ quốc, dành cho lứa đôi vẫn đang được lan truyền trong lớp cháu con.
Kỷ niệm 30/4, đi trên phố phường Hà Nội anh vẳng nghe từ loa truyền thanh: “Dù có lỡ hẹn tình năm trước…”./.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.