Mà "vầng trăng còn xẻ làm đôi"
(Sơn Tùng, 3/10/1970)
Đất nước thống nhất 2 miền đã gần 30 năm, thật may là lứa tuổi chúng ta không phải chứng kiến hay tham gia cảnh nội chiến của dân tộc. Sau gần 30 năm thống nhất, vầng trăng liệu đã tròn ?
Cuộc chiến thống nhất đất nước đã gây ra những mất mát quá lớn cho cả 2 phía. Tôi không muốn nói đến khía cạnh chính trị ở đây, tôi chỉ cảm nhận như một con người bình thường về những người lính cùng nói tiếng Việt chiến đấu cho một mục tiêu hay lý tưởng mà mỗi bên theo đuổi.
Họ chiến đấu vì cái gì? Vì lý tưởng cao đẹp nào đó? Vì yêu đất nước Việt Nam? Vì một tương lai tươi sáng hơn? Vì cha mẹ, vợ con ở quê nhà? và ???
Tôi không đủ tuổi để hiểu, không đủ khả năng để biết chính xác.
Nhưng tôi cho rằng họ chiến đấu vì một niềm tin nào đó, niềm tin ấy đã khơi dậy tinh thần dân tộc từ hàng nghìn năm qua; những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,... là niềm tự hào của cả dân tộc mà mỗi khi nhắc đến đều thấy hào khí tuôn trào.
Vậy niềm tin đó là gì? Phải chăng là:
“Những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ” (Friedrich Engels và Karl Marx)
"Dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập" (Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945)
"Dù nó ném hóa biển cũng phải giải phóng miền Nam cho kỳ được!" (Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian quân Mỹ ném bom ồ ạt miền Bắc, báo Nhân Dân ngày 24-5-1970)
Tôi vẫn mong tìm được câu trả lời.
Đọc bài “Hành trình một bức thư” mà bạn hero_man_hp đưa lên, tôi thực sự xúc động, nhưng đó chỉ là một điển hình; trong đất nước Việt Nam này biết bao hoàn cảnh như vậy?
Chiến tranh qua đi, nỗi đau còn đó!
Các anh (xin phép được gọi như vậy) đã chiến đấu vì lý tưởng của mình, đã cùng cả dân tộc (thực ra chỉ là 1 nửa) cùng nhìn về phía trước chiến đấu cho thế hệ tương lai. Tôi kính cẩn nghiêng mình cảm ơn các anh đã để lại những tấm gương đẹp về tình người, về khát vọng vươn tới tương lai tươi sáng, về ý chí thực hiện khát vọng đó.
o0o
Tôi rất tin bất kỳ người Việt Nam nào cũng yêu tổ quốc và dân tộc của mình, cái tổ quốc và dân tộc này là theo đúng nghĩa của nó, vượt cao hơn bất cứ thể chế chính trị hay bộ máy quyền lực nào.
Từ nhỏ tôi đã nghe rất nhiều các bài hát được gọi là Bài hát Cách mạng, tôi rất thích các bài hát đó; thời đó còn nhỏ, đâu có hiểu thế nào là lãnh tụ là nhà nước.
Đến giờ tôi mới có thể nói chính xác vì sao hồi đó tôi thích và đến giờ vẫn vậy, vì đa phần các bài hát đó được viết ra dưới ngọn lửa nhiệt tình, ngọn lửa yêu nước, yêu con người của các nhạc sỹ; ca từ và giai điệu phản ánh chính xác cảm nghĩ, tâm hồn của họ; đó là ‘lời nói đến từ trái tim’. Tôi cho rằng đó mới là nguyên nhân để các bài hát sống mãi với thời gian.
Vừa rồi, ngày 30/4/2012, tại thủ đô Bắc Kinh, 18 người Việt đã cùng nhau hát bài “Bên tượng đài Bác Hồ”, chưa bao giờ tôi hát và nghe bài này với niềm xúc động và tự hào như vậy.
Với tôi, bài ca không phải chỉ đơn thuần mang ý ca ngợi lãnh tụ, 3 từ Hồ Chí Minh đã vượt qua việc chỉ tên một con người, 3 từ này đã không còn là sở hữu của riêng Hồ Chủ Tịch, nó là đại biểu cho niềm tin về đất nước về dân tộc.
Đất nước Việt Nam trải qua nhiều biến động, gian khổ, khó khăn, nhưng vẫn luôn hướng về điều tốt đẹp, luôn biết ơn những người đã đóng góp cho dân tộc. Việt Nam sẽ ngày càng tươi sáng hơn.
Bên tượng đài Bác Hồ
(Lư Nhất Vũ - Lê Giang)Ngàn đài hoa kính dâng lên Người.
Ngàn lời ca muôn lòng yêu thiết tha.
Năm tháng sẽ trôi qua càng ghi nhớ đời đời.
Khắc sâu trong lòng mình tên Người kính yêu.
Tượng đài cao Bác luôn vẫy gọi.
Người dựng nước vinh quang Việt Nam.
Lời ca ơn Hồ Chí Minh.
Qua giông tố, nắng lên trên bến Nhà Rồng.
Thành phố quê ta sáng ngời tên Bác Hồ.
Nào cùng đi hát vang trên đường.
Tràn niềm tin xây ngày mai sáng tươi.
Thương nhớ sao không nguôi Người gieo trái ngọt ngào.
Núi sông chung bầu trời vang vọng chiến công.
Người còn đây nước non sum vầy.
Tượng đài Bác mênh mông trời mây.
Lời ca ơn Hồ Chí Minh.
Gieo xanh thắm ước mơ bao tấm tình người.
Tổ quốc yên vui đất trời ta vững bền.
Dặm đường xa bước theo chân Người,
Nhà Rồng ơi êm đềm trôi bến xưa.
Trên khắp quê hương ta từ con suối ngọn nguồn.
Cửu Long, sông Hồng Hà ơn Người kính yêu.
Tượng đài cao sáng soi muôn nhà.
Lời của Bác âm vang ngàn năm.
Lời ca ơn Hồ Chí Minh.
Ôi non nước hát ru yên giấc đời đời.
Thành phố yêu thương kết vòng hoa dâng Bác.
Tôi dùng 2 bài thơ của Nguyễn Đình Thi và Chế Lan Viên để thay lời kết
Việt Nam quê hương ta
(Nguyễn Đình Thi)
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Ðất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Ðạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
Việt Nam đất nắng chan hòa
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh
Mắt đen cô gái long lanh
Yêu ai yêu trọn tấm tình thủy chung
Ðất trăm nghề của trăm vùng
Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem
Tay người như có phép tiên
Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ
Nước bâng khuâng những bến đò
Ðêm đêm còn vọng câu hò Trương Chi
Ðói nghèo nên phải chia ly
Xót xa lòng kẻ rời quê lên đường
Ta đi ta nhớ núi rừng
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô
Bát cơm rau muống quả cà giòn tan…
Ai, Tôi?
Mậu Thân 2000 người xuống đồng bằng
chỉ một đêm còn sống sót có 30
ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó?
Tôi!
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi lúc xung phong
một trong 30 người khi ở mặt trận về sau 10 năm
ngồi bán quần trên đường, nuôi đàn con nhỏ
quán treo huân chương đầy mọi chỗ
chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
ai chịu trách nhiệm vậy?
lại chính tôi!
người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ!
người ấy nhắc những câu thơ tôi làm
mà tôi xấu hổ!
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
giữa buồn tủi chua cay
Tôi có thể cười?...
(Chế Lan Viên - trong tập Di Cảo - 1987)
.
Đ/c đi đâu mà im hơi lặng tiếng thế? Có việc quan trọng tôi và Lý liên lạc mãi chẳng được. Mở mail cá nhân ra nhé!
Trả lờiXóaTôi thích nhất câu “Những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ”. Đã đúng, đang đúng và sẽ còn đúng nữa.
Trả lờiXóaTừ hàng ngàn năm, Người Việt nam luôn sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc, cho độc lập, cho tự do của dân tộc mỗi khi có giặc ngoại xâm.
Tôi thích nhất bài thơ "Ai, tôi", đó mới đúng là thực tế! Ta cũng chẳng biết làm gì giúp họ vì ta cũng nghèo như họ và có chăng chỉ là sự đồng cảm và sẻ chia.
Trả lờiXóa