Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Chào cả nhà !


Chúc nhà mình một chu kỳ làm việc mới vui vẻ, hứng khởi, đầy năng lượng sau kỳ nghỉ lễ.
Hôm nay đến cơ quan, mọi người gặp nhau cười rạng rỡ, chìa tay ra "bắt bắt, hỏi hỏi.."
Chợt mình nghĩ đến câu chuyện đã được đọc cách đây gần một tháng, chia sẻ cùng các bạn.
Chuyện về cái bắt tay
Chào nhau bằng cái bắt tay theo kiểu phương Tây đã thành một thông lệ quốc tế, từ những nhà lãnh đạo quốc gia đến người dân thường.
Ở ta, do ảnh hưởng Khổng học, người lớn tuổi ở nông thôn ít bắt tay (tôn ti trật tự), còn phụ nữ ngay ở thành phố cũng ít bắt tay nam giới (vì còn ảnh hưởng “nam nữ thụ thụ bất thân”). Nam nữ cầm tay nhau nơi vắng vẻ là… có chuyện.
Thực ra, bắt tay (hay cầm tay nhau) để chào hỏi hay tỏ ý thân thiện không phải chỉ là đặc điểm của người phương Tây mà của con người nói chung! Một thuyết của môn nhân học văn hóa giải thích như sau: “Tục bắt tay (hay cầm tay) ra đời sớm nhất vào thời đại đốt rừng trồng rẫy. Thời đó, khi săn bắn và tác chiến, con người dùng tay thường xuyên nắm đá và gậy làm vũ khí. Khi người ta gặp nhau có ý thân thiện thì phải bỏ mọi thứ trong tay ra, mở bàn tay duỗi ra cho đối phương nắm, tỏ ra không có vũ khí gì (Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc, Dương Kiến Huy và Địch Ngọc Kim). Ở Trung Quốc, tập quán có khác: Người ta nắm tay nhau khi gặp nhau, chia tay nhau hay dặn dò gì nhau. Tô Vũ thời Hán có thơ: Cầm tay thở dài, nước mắt sinh biệt ròng ròng. Đặng Thác viết rằng: “Bắt tay phổ biến ở phương Tây, còn ở Trung Quốc coi là phù phiếm, hoặc để thể hiện tình cảm đặc biệt, không thuộc lễ nghi (như quỳ, vái, bái…)”.
Ở phương Tây, có lẽ người Pháp bắt tay nhiều nhất!
Cơ quan tôi, một thời có hai bà “đầm” làm chuyên gia, một bà người Pháp, một bà người Anh. Cả hai đều rất tốt, đều hết lòng với Việt Nam, họ đều tình nguyện sang Việt Nam, làm việc không lương cho NXB Ngoại văn. Tính tình hai bà thật khác nhau, có lẽ do tính dân tộc. Trong khi bà người Anh thì kín đáo, ít cởi mở, bề ngoài có vẻ lãnh đạm đúng theo kiểu người Anh, thì bà người Pháp lúc nào cũng sôi nổi, nói như “súng liên thanh” và có gì là bộc lộ ra hết. Hàng ngày, lúc đến cơ quan hay lúc về, bà người Anh chào một tiếng, có khi mỉm cười, còn bà người Pháp, sau cái bắt tay nồng nhiệt, lại ôm hôn hai má. Trường hợp so sánh này khá điển hình. Có khi bạn gặp những người Pháp, người Anh không như tôi tả. Vả lại, nhịp độ cuộc sống cũng làm giảm bớt “nghi lễ lịch sự” của người Pháp.
Dù sao thì người nước ngoài vẫn ngạc nhiên vì người Pháp thường “bắt tay” suốt ngày. Có một độc giả nước ngoài viết thư cho một tờ báo Pháp, phàn nàn về “nghi thức bắt tay” vừa mất thì giờ vừa dễ lây bệnh truyền nhiễm. Nhà văn Pháp Marc Blancpain đã viết một bài giải thích về truyền thống ấy! Xin lược dịch một đoạn:
“Tôi xin phép nói ngay với ông là những cân nhắc kinh tế của ông không thuyết phục được tôi… Nửa giờ mà chúng tôi bắt tay nhau, ông thấy đó, chúng tôi lúc nào cũng có khả năng lấy lại được, vì chúng tôi không làm việc như con bò hay như cái máy, mà như những con người biết tăng tốc, tăng năng suất làm nhanh và nhanh hơn nữa tùy theo tâm trạng hay sự cần thiết. Còn về sự trao đổi vi trùng khi bắt tay thì điều đó chúng tôi không ngại, vi trùng đâu mà chẳng có: trong không khí mọi người thở, trong những thứ ta ăn uống, ngay cả khi những thứ đó được bọc bằng giấy bóng! Dĩ nhiên là không phải bàn tay nào bắt cũng thú vị.
Có những bàn tay chảy mồ hôi hay sần sùi, có những bàn tay mềm nhẽo hay thô bạo, nhưng lễ phép chính là cái cố gắng nho nhỏ của chúng tôi để kìm hãm cái ghê tởm lại… Còn bắt tay không phải bao giờ cũng thật lòng ư? Thưa vâng, chúng tôi biết điều ấy và chúng tôi đặt vào trong cử chỉ ấy điều chúng tôi muốn gửi gắm: tình bạn, hay chỉ đôi chút thân tình, đôi khi là sự lạnh lùng và cả sự không tán thành, im lặng. Không ai hiểu nhầm đâu! Nhưng chìa tay ra bắt – ngay cả trong trường hợp miễn cưỡng – luôn luôn có ý nghĩa là không có hận thù nào vô phương cứu chữa, nói lên sự mong muốn tha thứ, khả năng làm lành với nhau, cuộc sống với nhau vẫn có thể trở lại yên lành! Và đó mới là điều quan trọng!”…        
Theo SK&ĐS số 65/2012  

10 nhận xét:

  1. Đọc bài này nếu có bạn trước mặt thế nào cũng bắt tay bạn một cái vì không hiểu sao hình như mình cũng bị nhiễm cái "văn mình của nhân loại" hay sao ấy! Nếu đang chuyện trò (với những người đồng trang lứa) mà có điều gì tâm đắc thế nào cũng giờ tay ra bắt thế mới buồn cười chứ! Cám ơn bạn nhé đã cho tôi hiểu kĩ hơn về "cái bắt tay" mình vẫn thường làm!

    Trả lờiXóa
  2. Tớ thì rất ít bắt tay nhưng nếu bắt tay một ai đó tớ có thể đoán được 60% tính cách các bạn có tin không?

    Trả lờiXóa
  3. Bùi Lý ơi, hôm nào tớ giới thiệu một người bạn, nhờ Lý cho tớ biết tính cách của người ấy hộ tớ với nhé!
    Bà điêu nó vừa thôi...biết thế quái nào được...Có chăng thì chỉ biết họ cũng là người lich sự thôi..

    Trả lờiXóa
  4. Mình rất khoái bắt tay, nhất là phụ nữ. ( mà tác giả là 1 trong những người mình thích chạm tay nhất nhất....)hihihi!

    Trả lờiXóa
  5. @Huy:Nếu là đối tượng mà ông quan tâm đặc biệt hãy dẫn đến tôi,không phải ai bắt tay cũng đều là người lịch sự đâu

    Trả lờiXóa
  6. Văn hóa bắt tay rất đa dạng, tuy có rất nhiều điểm chung, song mỗi vùng miền lại có điểm khác biệt nhỏ. Nếu bạn uống rượu với người Hòa Bình thì uống xong một cốc là bắt tay nhau, mà phải lắc lắc tay.
    Với mình, dường như ảnh hưởng bởi đạo khổng nên rất ngại bắt tay với phụ nữ, rất sợ hiểu nhầm là có vấn đề. Phụ nữ Việt nam dường như cũng không thích bắt tay với đàn ông.

    Trả lờiXóa
  7. Nhà ngoại giao mà ngại bắt tay với phụ nữ à? Hay khi mình bắt tay đã thể hiện vấn đề nào đó rồi? Theo mình thì "bắt tay" thể hiện mối quan hệ xã giao đầu tiên sau đó rồi đến một số vấn đề khác. Trong công việc nhiều khi mình cũng rất ngại bắt tay, đặc biệt là với các Sếp nhưng nếu mình quá e dè người ta lại bảo mình thiếu lịch sự. Thế đấy, ứng xử thế nào cho "trúng và đúng", không quá suồng sã mà lại thể hiện sự thiện cảm , hòa đồng với đối tác thật là khó phải không các bạn? Ai có bí quyết gì thì chia sẻ nhé!

    Trả lờiXóa
  8. Công việc của tôi khiến tôi có cơ hội bắt tay với rất nhiều người. Không giỏi như bạn Bùi Lý có thể bắt tay đoán tính cách nhưng sau cái bắt tay có thể thay đổi cảm giác của bạn trước đó rất nhiều. Có những người nói chuyện rất nhiệt thành nhưng cái bắt tay thật hờ hững, có những người bắt tay rất nồng nhiệt mặc dù khi nói chuyện còn nhiều e ngại, nhiều người trông rất nam tính nhưng khi bắt tay lại thấy mềm nhẽo, hoặc có người tay rất lạnh, người lại rất ấm.Nhưng dù nóng hay lạnh, mềm mại hay cứng cáp, tôi thấy cái bắt tay phải tạo sự chân thành, hãy bắt tay thật chặt nhưng không nên giữ lâu quá, nụ cười nở trên môi.Bạn sẽ thấy mọi thứ đều thoải mái và thân thiện hơn. Với đối tác nước ngoài thì phụ nữ nên giơ tay ra trước, còn với người VIệt thì nam giới phải chủ động. Mình nghĩ không nên ngại bắt tay. Chỉ cần hiểu một số các quy tắc là mình sẽ thấy thoải mái và tự tin thôi. Bạn tự tin là sẽ chẳng ai nghĩ gì đâu dù bạn là phụ nữ. Bài học đầu tiên của Công ty nước ngoài đầu tiên mà tôi làm, họ đã dạy những quy tắc ứng xử tưởng rất nhỏ nhặt nhưng sau này tôi thấy rất hữu ích trong công việc. Một vài chia sẻ với các bạn với những kinh nghiệm nhỏ của tôi

    Trả lờiXóa
  9. Cám ơn bạn về những chia sẻ rất bổ ích!

    Trả lờiXóa
  10. Tớ hỏi các bạn có tin không?
    Các bạn trả lời:không
    Tớ nói :Đúng
    Thật sự có một lần tớ bắt tay với một người đàn ông theo phép lịch sự,khi bắt tay tất nhiên là phải nhìn thẳng vào mắt người ta và cười rồi,nhưng sau cái bắt tay đó thì tớ sợ mãi.Theo chủ quan của tớ thì cái bắt tay đôi khi cũng nói nên phần nào tính cách có phải thế không Dung?

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.